Triển khai kế hoạch phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030

08:02, 07/02/2020

Với mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị ngày 31-12-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3023/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Một góc thành phố Nam Định hôm nay.  Bài và ảnh: Thành Trung
Một góc thành phố Nam Định hôm nay.

Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 17 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại IV và 15 đô thị loại V. Theo quy hoạch, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 21 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại IV và 17 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hoá đạt 35%. Các chỉ tiêu phát triển đô thị theo giai đoạn 2020-2025 gồm diện tích sàn nhà ở bình quân đô thị toàn tỉnh phấn đấu đạt khoảng 33,9m2/người, tỷ lệ nhà kiên cố trung bình đạt khoảng 98%; tỷ lệ đất giao thông đô thị loại I đạt trên 25% đất xây dựng đô thị; loại IV, V đạt 11-18% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đô thị loại I đạt 25%; loại IV đạt trên 5%, loại V đạt từ 2% trở lên; 100% dân cư đô thị được cấp nước sạch tại các đô thị loại I đến loại V, tiêu chuẩn cấp nước đối với đô thị loại I đạt 150 lít/người/ngày đêm. 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý, 100% chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. 95-100% chiều dài các tuyến đường chính và khu nhà ở, ngõ xóm tại đô thị loại I được chiếu sáng. Từng bước phát triển đồng bộ hệ thống chiếu sáng đối với đô thị loại IV, loại V đạt 90% chiều dài các tuyến đường chính và đạt 85% chiều dài đường khu nhà ở, ngõ xóm. Để hoàn thành các mục tiêu đó, đến năm 2025 tỉnh sẽ nâng cấp thị trấn Quất Lâm, mở rộng đô thị Rạng Đông đạt tiêu chí đô thị loại IV; thành lập mới 5 đô thị loại V gồm đô thị mới phía tây tỉnh (thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến, gọi tắt là đô thị 4 xã của huyện Ý Yên); các đô thị Đại Đồng, xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ), Trung Thành (Vụ Bản), Xuân Ninh (Xuân Trường), Đồng Sơn (Nam Trực). Giữ nguyên cấp đối với 14 đô thị còn lại, trong đó thành phố Nam Định là đô thị loại I và được mở rộng địa giới hành chính (thêm huyện Mỹ Lộc, 5 xã của huyện Nam Trực và 3 xã của  huyện Vụ Bản); Thị trấn Thịnh Long mở rộng là đô thị loại IV; 12 thị trấn hiện có của 9 huyện là đô thị loại V. Đến năm 2030 toàn tỉnh có 26 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 45%. Trong giai đoạn này, diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 35,7m2/người, nhà ở kiên cố đạt 100%. Tỷ lệ đất giao thông đô thị loại I đạt trên 25%; loại III, IV, V đạt 11-20% đất xây dựng đô thị trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đô thị loại I đạt 30%, loại III đạt 15%; loại IV, V đạt khoảng 5-10% trở lên. 100% dân cư đô thị (từ loại I đến loại V) được cấp nước sạch; 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn y tế nguy hại và của các KCN được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đất cây xanh đô thị đối với đô thị loại I đạt 12m2/người trở lên, đô thị loại III đạt trên 10m2/người, đô thị loại IV, loại V đạt trên 7m2/người. Để đạt được mục tiêu của giai đoạn 2025-2030, đô thị Rạng Đông sẽ được phát triển thành đô thị loại III; 4 đô thị, gồm đô thị thuộc địa phận 4 xã của huyện Ý Yên, thị trấn Cổ Lễ (mở rộng), thị trấn Lâm (mở rộng), thị trấn Xuân Trường (mở rộng) được nâng lên loại IV. Thành lập mới 6 đô thị loại V gồm Hải Phú, Hải Đông (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Trường), Bo (thuộc địa phận xã Yên Chính, huyện Ý Yên), Trực Nội (Trực Ninh), Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng). Giữ nguyên cấp đô thị đối với 15 đô thị còn lại. 

Để thực hiện mục tiêu có được hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, UBND tỉnh đã lập danh mục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung gồm các lĩnh vực quy hoạch, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội... UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tập trung hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn đã đến thời hạn điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chung xây dựng các đô thị mới dự kiến thành lập; xây dựng chương trình phát triển đô thị đối với các đô thị từ loại IV trở lên và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư xây dựng các đô thị trên cơ sở các quy hoạch chung được điều chỉnh. Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông như tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định, đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh) theo hình thức PPP, tuyến tránh Khu di tích đền Trần thuộc Quốc lộ 38B đến Quốc lộ 21B; xây dựng một số cầu mới trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như Bến Mới (Quốc lộ 38B), Đống Cao, Cồn Nhất, Ninh Cường (Quốc lộ 37B), Thanh Đại (Quốc lộ 21B), Kinh Lũng (tỉnh lộ 485B);  xây dựng cảng sông Nam Định mới (xã Điền Xá, huyện Nam Trực); nâng cấp hiện đại hoá đường sắt Bắc - Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Về hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khởi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Dệt may Rạng Đông và các CCN: Thịnh Lâm (Giao Thuỷ), Yên Dương (Ý Yên); mở rộng các CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), Đồng Côi (Nam Trực); lập phương án xử lý, khai thác KCN Mỹ Trung, đầu tư xây dựng KCN Mỹ Thuận, hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư các dự án CCN: Yên Bằng (Ý Yên), Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Hải Vân (Hải Hậu). Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp chất lượng hệ thống thương mại dịch vụ tại khu vực đô thị Thịnh Long, Rạng Đông, Quất Lâm. Đầu tư xây dựng khu vực logistic tại nút giao Cao Bồ (đô thị mới 4 xã thuộc huyện Ý Yên) và khu vực cảng biển Thịnh Long (Hải Hậu). Tập trung phát triển hệ thống phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) thuộc nhiều loại hình phân phối tại các đô thị, thị trấn có quy mô vừa phải phù hợp với cấp loại đô thị và quy mô dân số./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com