Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Công Thương

08:02, 21/02/2020

Năm 2019, Sở Công Thương đã phát huy có hiệu quả vai trò quản lý Nhà nước, triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, ổn định thị trường, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân. 

Sở Công Thương giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua hội chợ.
Sở Công Thương giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua hội chợ.

Trong năm 2019 Sở Công Thương đã tập trung hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong các Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm theo chiều sâu; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thêm thị trường xuất khẩu và tăng sức mua ở thị trường nội địa với các sản phẩm địa phương có thương hiệu, uy tín; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các CCN, cung cấp hạ tầng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 13,25% so với năm 2018; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 72.684 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018, vượt kế hoạch tỉnh giao; hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực có tốc độ tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2.005 triệu USD, tăng 24,5% so cùng kỳ năm trước, vượt 17,9% kế hoạch năm. Tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; mở rộng hệ thống mạng lưới bán hàng; thị trường hàng hóa đa dạng và có nhiều chuyển biến tích cực trong lưu thông. Tuy nhiên tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, thi công xây dựng một số dự án còn chậm; nhiều doanh nghiệp trong các CCN, làng nghề quy mô nhỏ, thiết bị còn lạc hậu, chậm đổi mới, vốn đầu tư thấp, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm của địa phương còn hạn chế; tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp. 

Năm 2020 Sở Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên đào tạo, tự đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất chính trị và nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ động xây dựng, quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch và cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh. Chú trọng thực hiện các quy hoạch ngành trên địa bàn, gồm: Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2025, có xét đến năm 2035; Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát, ổn định thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại vi phạm pháp luật. Chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu. Hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường tại các CCN, làng nghề và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thương mại; kêu gọi các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư sản xuất góp phần giải quyết lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, các loại hình và sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị gia tăng cao như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược, cơ khí, điện tử; đa dạng hóa các mặt  hàng xuất khẩu, mở rộng các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ... Trong điều kiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua và sẽ sớm được kích hoạt, Sở Công Thương đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động tư vấn truyền thông nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh hiện đại, tham gia thị trường toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo quy tắc về “xuất xứ hàng hóa” trong sản xuất một số ngành hàng có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường EU như nông sản, hàng dệt may. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chế biến; chú trọng phát triển những sản phẩm đã xuất khẩu được vào EU như ngao sạch. Đẩy mạnh thu hút và giữ chân nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt may, tham gia chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Phấn đấu năm 2020, toàn tỉnh đạt giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 83.365 tỷ đồng, tăng từ 16% trở lên so với năm 2019; giá trị hàng xuất khẩu đạt 2.200 triệu USD; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 50.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com