Xuất khẩu năm 2019 "về đích" sớm

07:12, 03/12/2019

Xuất khẩu năm 2019 của tỉnh về đích ngay trong tháng 10 với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 400 triệu USD so với kế hoạch năm (gần 30%) và 24,2% so với năm 2018. Chưa bao giờ xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng đều qua các quý trong năm và tăng cao hơn mức bình quân giai đoạn 2015-2018 (chỉ gần 10%/năm). Kết quả này cho thấy hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các ngành chức năng và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu hiện nay.

Định hình khuôn mẫu hàng xuất khẩu tại Công ty Đúc Thắng Lợi (thành phố Nam Định).
Định hình khuôn mẫu hàng xuất khẩu tại Công ty Đúc Thắng Lợi (thành phố Nam Định).

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 200 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực tiếp và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo hình thức ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN…, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu đạt 10 triệu USD trở lên. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế như: Công ty Cổ phần may Sông Hồng, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định, Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty Cổ phần Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy… Hàng hóa xuất khẩu đa dạng, phong phú, tập trung ở 6 ngành hàng chủ yếu là may mặc, da giầy, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, cơ khí chế tạo, nông sản. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may và da giầy vẫn thể hiện thế mạnh, tính cạnh tranh trên thị trường thế giới và khẳng định vị trí hàng đầu trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh; thị trường xuất khẩu chủ yếu: Mỹ, EU, các nước Đông Bắc Á, cộng đồng ASEAN… Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng cao là do các đơn vị hoạt động xuất khẩu từ cuối năm trước đã chuẩn bị đầy đủ đơn hàng cho những tháng đầu năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho cả năm 2019 với nhiều đơn hàng lớn. Thị trường hàng xuất khẩu đã được mở rộng, đa dạng theo hướng gia tăng sản phẩm nông sản chế biến. Đặc biệt sau khi thị trường dệt may thế giới có dấu hiệu khôi phục trở lại sau căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung nên xuất khẩu dệt may, da giầy vốn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong xuất khẩu của tỉnh đã tăng trưởng cao. Đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may là các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần May Sông Hồng đạt trên 223 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Youngone Nam Định đạt trên 168 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Da giầy AMARA Việt Nam đạt 147 triệu USD; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty 64 triệu USD, Công ty Cổ phần May Nam Hà đạt gần 12 triệu USD; Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định đạt 6,5 triệu USD; Công ty Cổ phần Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy đạt 24 triệu USD… Nhóm các doanh nghiệp sản xuất da giầy liên tục mở rộng sản xuất với quy mô đầu tư lớn đều ký được hợp đồng dài hạn, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Trong hai năm 2018, 2019, có thêm một số doanh nghiệp da giầy mới đi vào hoạt động như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Power, xã Hải Tân (Hải Hậu) chuyên sản xuất các loại giầy da, giầy thể thao xuất khẩu sang các nước trong khối EU, Mỹ với tổng số 40 chuyền may thu hút khoảng 6.000 lao động địa phương; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Vận xã Đồng Sơn (Nam Trực) mới hoàn tất công tác xây dựng nhà máy sản xuất giầy da xuất khẩu với diện tích gần 100 nghìn m2, thu hút 4.000 lao động…, góp phần tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu trong nhóm hàng này. Bên cạnh sự năng động nhạy bén của các doanh nghiệp xuất khẩu thì tác động quan trọng làm nên đột biến giá trị xuất khẩu tăng là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh, các ban, ngành chức năng trong công tác dự báo thị trường hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các ngành, các đơn vị chức năng như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) là cầu nối tích cực giữa doanh nghiệp với các Tham tán thương mại, Tùy viên thương mại của Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Italia, Anh, Hàn Quốc. Hải quan Nam Định đẩy mạnh cải cách hành chính trong giao dịch, cắt giảm hầu hết những khâu trung gian, giúp việc, thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chưa hợp lý, vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm may mặc và da giầy, nhóm hàng nông sản chế biến còn quá ít, mới chỉ đạt giá trị xuất khẩu khoảng 5 triệu USD. Trong đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam xuất khẩu ngao sạch sang các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc cũng mới chỉ đạt 2,7 triệu USD. Các sản phẩm muối biển nhạt Royal của Công ty Cổ phần Muối Nam Định; khoai lang, khoai tây, ngô sấy và khoai sọ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương cũng đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng sản lượng không nhiều và không thường xuyên.

Năm 2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD trở lên. Đây là mục tiêu có tính khả thi vì hiện tại, nước ta có nhiều lợi thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết thành công mở ra những ưu đãi về thuế quan, điều kiện xuất nhập khẩu. Đặc biệt dệt may, da giầy, rau quả, thịt... là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh và là sản phẩm được hưởng lợi nhất khi các hiệp định thương mại thế hệ mới có hiệu lực. Trong đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ngày 30-6-2019 đã thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Tương ứng với đó, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam sang EU được giảm ngay lập tức từ năm 2020 (thời điểm dự kiến EVFTA có hiệu lực) và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm. Bên cạnh đó, với nền tảng kết quả, kinh nghiệm đã đạt được và những định hướng chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sẽ được giữ vững trong năm tới. Cùng với những thuận lợi kể trên, trong điều kiện hầu hết các quốc gia đều xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước nên yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và lao động, đa dạng hóa các mặt hàng để tăng năng lực cạnh tranh. Đối với những sản phẩm của các làng nghề truyền thống cần hình thành tổ chức hiệp hội làng nghề để tạo sự đồng thuận, chia sẻ thị trường, tăng cường hợp tác đoàn kết để nâng cao sức cạnh tranh với đối tác nước ngoài, chống cạnh tranh không lành mạnh ngay trong nội bộ làng nghề gây khó khăn chung cho ngành hàng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com