Góp phần chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết

08:12, 18/12/2019

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tại nhiều cơ sở sản xuất các mặt hàng bánh kẹo truyền thống của hội viên phụ nữ, không khí chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết đã hết sức sôi động.

Sản xuất kẹo lạc tại thôn Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực).
Sản xuất kẹo lạc tại thôn Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực).

Đến thăm cơ sở sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi của gia đình chị Nguyễn Thị Luyên, thôn Trung Đông, xã Yên Cường (Ý Yên), từ xa đã thoảng bay trong gió vị va ni thơm lừng quyện vị mạch nha ngọt ngào. Chị Luyên đang nhanh tay đóng gói những mẻ kẹo lạc vừa ra lò giòn tan, bùi ngậy. Gia đình chị Luyên nhiều năm qua vốn có nghề ép dầu lạc với sản lượng trung bình mỗi ngày hàng trăm lít. Sẵn có hệ thống máy móc đầu tư cho việc ép dầu lạc như máy bóc vỏ, máy phân loại hạt sâu hỏng, từ năm 2018, gia đình chị mua thêm máy rang lạc, máy nấu kẹo để sản xuất mặt hàng kẹo lạc. Thuận lợi của nghề này là nguồn nguyên liệu tươi ngon, dồi dào được thu mua tại chỗ của bà con các xã Yên Cường, Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Thắng, Yên Đồng. Chị Luyên cho biết: Từ cuối tháng 11 âm lịch bắt đầu giai đoạn cao điểm sản xuất kẹo, cơ sở của chị phải huy động thêm 4-5 người làm các công đoạn nấu, cắt, đóng gói, trung bình mỗi ngày đạt 2 tạ kẹo. Với chất lượng thơm ngon, giòn xốp, kẹo lạc nhãn hiệu Bảo Hưng của gia đình chị Luyên đã được bán đi nhiều tỉnh, thành phố, được khách hàng gần xa chọn mua như một đặc sản quê hương để làm quà biếu vào dịp Tết. Tại xóm 10 Quyết Tiến, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, chị Đoàn Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất bánh chông gia truyền Hương Nhanh cũng đang bước vào thời điểm tất bật chuẩn bị nguồn nguyên liệu để làm bánh chông cho dịp Tết. Chị Hương cho biết: Sản phẩm sử dụng các nguyên liệu sạch sẵn có tại địa phương để sản xuất như: gạo nếp cái hoa vàng, gấc chín, gừng tươi. Cách nấu bánh có một công đoạn tương tự như xôi gấc, nhưng sau khi chín xôi thì trộn đường vào giã cho nhuyễn, tiếp đó ép lại, cắt thành miếng hình thoi cỡ ngón tay, phơi khô rồi rang giòn lên. Sản phẩm bánh chông của gia đình chị Hương được làm cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng cao. Nhờ đó, bánh chông thành phẩm giòn tan, có màu hồng cam rất đẹp của gấc chín, vị ngọt dịu và hương thơm cay ấm đặc trưng của gừng già, rất thích hợp khi thưởng thức cùng chén trà xanh đượm, nóng hổi trong những ngày Tết se lạnh. Cơ sở bánh chông gia truyền Hương Nhanh tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 5 nhân công, dịp lễ tết thì nhân công tăng thêm từ 7 đến 10 người, mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Với giá bán từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg bánh, sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập 125 triệu đồng/năm. Hàng năm, cơ sở sản xuất bánh chông gia truyền Hương Nhanh xuất từ 5-10 tấn bánh ra thị trường các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh. Riêng trong dịp Tết Canh Tý năm nay, chị dự kiến sản xuất 4-5 tấn bánh. Tại tổ dân phố Vị Dương, phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định), cơ sở bánh dầy Bích Thêm của gia đình bà Trần Thị Thêm nhiều năm qua cũng đặc biệt bận rộn vào mỗi dịp Tết. Người dân vùng đất cổ Vị Dương từ xưa vẫn giữ được cách thức làm bánh dày truyền thống đã làm nên thương hiệu. Gia đình bà Thêm cũng có nhiều thế hệ có nghề làm bánh dày. Theo bà, để làm ra những chiếc bánh ngon, quan trọng nhất là khâu chọn gạo nếp, đỗ xanh, ngâm mềm, đồ chín, cho vào máy giã thật nhuyễn dẻo. Đối với bánh dày ngọt, phần vỏ bánh được làm từ bột nếp, phần nhân được làm từ đậu xanh, đường, dừa bào xào lên cho thật thấm, quyện, sau khi làm xong được lăn qua lớp vừng rang thơm phức để bánh không bị dính vào nhau rồi xếp vào từng hộp 6 chiếc một. Đối với bánh dày mặn phải đạt độ trắng tinh, tròn trịa, dẻo thơm được kẹp theo từng cặp, đặt gọn trong những mảnh lá chuối xanh mướt cắt theo hình tròn vừa với chiếc bánh. Cùng với bánh chưng, bánh dày đã trở thành vật phẩm để thờ cúng trong các lễ hội truyền thống, ngày giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên và trong việc họ, việc làng. Với uy tín và bề dày kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề, sản phẩm bánh dày của gia đình bà Thêm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hàng năm, cơ sở được khách xa gần đến đặt mua với số lượng lớn phục vụ các dịp lễ, Tết, các cửa hàng bán lẻ, hội nghị, tiệc cưới… Đặc biệt, vào các dịp cao điểm mùa cưới, trung bình một tháng, gia đình bà Thêm làm khoảng 300 hộp bánh dày ngọt; dịp mùng 10 tháng giêng tổ chức khánh lão của thôn, sản xuất khoảng 2,5 tạ bánh; dịp lễ ra mùa của đồng bào Công giáo sản xuất khoảng 500-600 chiếc bánh… Ngoài ra, tại nhiều miền quê trong tỉnh còn có nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh kẹo đặc sản của hội viên phụ nữ như: Bà Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố Đạo Đường, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) với sản phẩm kẹo vừng lạc Vũ Thịnh; bà Nguyễn Thị Lụa, thị trấn Yên Định (Hải Hậu) với sản phẩm bánh nhãn gia truyền, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho chị em, đồng thời gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.

Với sự chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đầu tư công nghệ mới khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm, các cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống đã góp thêm nguồn hàng phong phú cho thị trường Tết./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com