"Nút thắt" trong tiếp cận vốn vay ưu đãi của thanh niên

07:11, 12/11/2019

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, những năm qua nguồn vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, số thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn rất khiêm tốn. Nhiều thanh niên có kế hoạch khởi nghiệp khả thi nhưng vẫn gặp khó khăn về thủ tục vay vốn. 

Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lại Văn Thắng, xóm 15, xã Hải Long (Hải Hậu).
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lại Văn Thắng, xóm 15, xã Hải Long (Hải Hậu).

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến ngày 30-9-2019, dư nợ uỷ thác qua kênh Đoàn Thanh niên các cấp là 170,3 tỷ đồng (chiếm 5,65% tổng dư nợ), tăng 17,6 tỷ đồng; tổng số 5.735 hộ có dư nợ. Số dư tiền gửi qua 190 tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên đạt 7 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm (nguồn vốn 120) kênh Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn đã cho vay được 34 dự án với tổng dư nợ 1 tỷ 495 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 6,6%/năm, thời hạn vay từ 24 đến 36 tháng. Hầu hết các nguồn vốn trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình đoàn viên, thanh niên nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh Đoàn, mặc dù tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp đã rất tích cực, nhưng thực tế, nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên vay đầu tư phát triển kinh tế vẫn hạn chế. Nhiều thanh niên bắt đầu khởi nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận các kênh vay vốn. Theo số liệu của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có trên 98 nghìn đoàn viên đang sinh hoạt tại 396 cơ sở Đoàn, trong đó đoàn viên, thanh niên khối nông thôn chiếm gần 31% nhưng tỷ lệ thanh niên tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình còn rất hạn chế. Các nguồn vốn ưu đãi do tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp nhận uỷ thác hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là thanh niên tại các làng nghề. 

Đồng chí Vũ Việt Dương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Hải Hậu cho biết: “Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội qua Huyện Đoàn đạt hơn 29 tỷ đồng với 34 tổ tiết kiệm và vay vốn của thanh niên. Thực tế cho thấy thanh niên rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nên nhiều người khi đầu tư lập nghiệp đã phải tìm đến kênh các ngân hàng thương mại. Bởi vậy, Huyện Đoàn đang tập trung làm việc với các ngân hàng thương mại để tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế”. Theo quy định của ngân hàng, để được vay vốn ưu đãi thì người vay phải là chủ hộ và có tài sản thế chấp, trong khi thanh niên hầu hết là người trẻ sống cùng gia đình, phần lớn không phải là chủ hộ, cũng không có tài sản thế chấp. Ngân hàng cũng không chấp nhận thế chấp bằng máy móc thiết bị hay các hợp đồng kinh doanh được ký kết. Bên cạnh đó, có vay được vốn thì cũng rất khó khăn cho người khởi nghiệp khi phải lo trả nợ gốc và lãi ngay trong 3-5 năm đầu tiên, bởi đây là khoảng thời gian cần quan tâm đến phát triển sản xuất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ,… kinh doanh hầu như chưa có tích luỹ. Ngoài ra, đối với vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm lại vướng mắc bởi Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm với thủ tục giải ngân khó, như: Yêu cầu hóa đơn đỏ khi mua hàng hóa, hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho lao động... Trong khi đó, đối với những thanh niên lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như những dự án chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, thường thuê lao động nông thôn theo thời vụ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan là một số thanh niên từng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng sử dụng sai mục đích làm thất thoát vốn vay dẫn đến tổ tiết kiệm và vay vốn “ngại ngần” vì độ tin cậy chưa cao, rủi ro lớn. Với nguồn vốn 120, khi vay thanh niên phải xây dựng đề án, phương án sản xuất kinh doanh đối với từng dự án cụ thể, đây vốn là khâu yếu với nhiều thanh niên nông thôn. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể phải có tài sản đảm bảo tiền vay đối với các dự án trên 50 triệu đồng trong khi năng lực tài chính của đối tượng thanh niên mới lập nghiệp còn rất khó khăn, hạn chế. Vì thế, có một cơ chế ưu đãi và thông thoáng hơn từ cả Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng thương mại là mong muốn của nhiều thanh niên lập nghiệp. Anh Trần Văn Diện, Bí thư Chi đoàn xóm 15, xã Hải Long (Hải Hậu) cho biết: “Được Đoàn Thanh niên xã tạo điều kiện, tôi đã được vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nuôi bò. Tuy nhiên, mức vay trên chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu vốn cần thiết là 120 triệu đồng. Vì thế, rất mong các cơ quan chức năng sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ về vốn và các thủ tục ưu đãi để thanh niên có nhiều cơ hội khởi nghiệp và cống hiến sức trẻ”. Anh Lại Văn Thắng ở xóm 15 cho biết: “Hiện tại, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để nuôi 210 cặp bồ câu bố mẹ. Để phát triển đàn bồ câu lên hơn 400 cặp, chúng tôi cần vốn ít nhất hơn 100 triệu đồng”. Do đó, nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng chỉ hỗ trợ phần nào trang trải chi phí về giống, nhà xưởng ban đầu. 

Để tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho thanh niên trong phong trào phát triển kinh tế, thời gian tới, Tỉnh Đoàn cần đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, các ngân hàng với các mô hình kinh tế của thanh niên có nhu cầu về vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật. Tăng cường tổ chức các hoạt động, chương trình tập huấn, giao lưu để mở rộng mối quan hệ và phát triển nguồn vốn; tư vấn thành lập mô hình hợp tác xã kiểu mới cho thanh niên. Tích cực kết nối tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn hỗ trợ thanh niên kỹ năng lập dự án phát triển, đáp ứng yêu cầu thủ tục vay vốn, giúp thanh niên mạnh dạn lập nghiệp, tự tạo việc làm cho bản thân, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com