Những mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa hiệu quả ở Vụ Bản

08:11, 12/11/2019

Bằng việc nhạy bén nắm bắt chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất nông sản hàng hóa khối lượng lớn, nhiều hộ nông dân ở huyện Vụ Bản đã dồn ruộng, gieo cấy tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với phương thức sản xuất đại trà.

Chị Trần Thị Luyến, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo (Vụ Bản) bảo quản thóc sau thu hoạch.
Chị Trần Thị Luyến, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo (Vụ Bản) bảo quản thóc sau thu hoạch.

Vụ mùa 2019 là vụ thứ 8 liên tục, anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh cấy lúa trên vùng ruộng tập trung của địa phương với quy mô 10ha. Đầu năm 2016, nhận thấy một số bà con trong và ngoài thôn sản xuất “cầm chừng”, thậm chí có vài hộ bỏ ruộng hoang, anh Hưng đề xuất với Ban chi ủy thôn, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tam Thanh cho anh thuê ruộng của các hộ không trồng cấy để sản xuất quy mô lớn. Anh Hưng cho biết: Ban đầu, nhiều hộ đã chuyển sang làm một số ngành nghề khác không có nhu cầu sản xuất nhưng vẫn có tâm lý e dè không muốn cho thuê ruộng. Sau một thời gian vận động, hơn 250 hộ đã đồng ý, anh mới thuê được diện tích gọn vùng. Hàng năm đối với các hộ cho mượn ruộng anh Hưng nộp tiền khoán sản cho xã theo quy định. Thế là anh có 10ha ruộng ở 2 thôn Trung Cấp, Du Duệ để sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Vì số ruộng của nhiều hộ nên manh mún, cốt đất không đều, khu thấp trũng, chỗ lại cao, nhiều bờ thửa,... sản xuất khó khăn, anh Hưng phải quy gọn vùng, phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố bờ vùng, đào đắp hệ thống kênh tưới, tiêu nước hợp lý, tạo thuận lợi cho đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Anh đầu tư mua máy làm đất, máy bơm để chủ động việc tưới tiêu, chống úng, hạn. Toàn bộ diện tích được anh gieo cấy bằng giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bệnh bạc lá là giống lúa có giá trị hàng hóa cao, đang được thị trường ưa chuộng. Nhờ trồng tập trung một giống, cơ giới hóa nhiều khâu, đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc đồng đều, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định; toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân hợp đồng thu mua với giá bán theo thỏa thuận. Vụ mùa năm 2019, năng suất lúa bình quân đạt 150kg/sào, với giá bán 82 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 500 nghìn đồng/sào, cao gấp hơn 2 lần cấy lúa đại trà. 

Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Liên Phương, xã Liên Bảo, mỗi khi nhắc đến mô hình sản xuất lúa hàng hóa hiệu quả cao, nhiều người nhắc đến chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch. Chúng tôi đến gia đình chị Luyến khi anh chị vừa thu hoạch xong trà lúa mùa muộn. Hơn 20 tấn thóc đã được phơi săn, đóng bao cẩn thận chờ ngày xuất bán. Chị Luyến cho biết: Vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên lúa được mùa, năng suất cao, lúa lai đạt 2,2 tạ/sào, lúa Bắc thơm số 7 đạt 1,5 tạ/sào... Năm 2012, chị được bà con xóm 3, xóm 4 giao ruộng cho chị sản xuất do cấy lúa kém hiệu quả hoặc không có người làm vì chuyển đổi ngành nghề, tham gia làm công nhân cho các công ty tại Khu công nghiệp Bảo Minh. Từ vài mẫu ban đầu, đến nay, tổng diện tích ruộng chị nhận thầu với các hộ trong thôn là hơn 17ha. Chị Luyến đã đầu tư gần 2 tỷ đồng mua 2 máy làm đất cỡ lớn và các loại máy bơm, máy sạ, máy gặt; tổ chức phân vùng canh tác, cấy lúa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng và lúa làm lương thực phục vụ chăn nuôi. Diện tích sản xuất lớn nhưng ruộng tập trung nên thuận lợi cơ giới hóa các khâu nặng nhọc đều được máy móc đảm nhận. Nhờ được quy hoạch gọn vùng, chủ động nguồn nước tưới, tiêu nên toàn bộ diện tích đều được gieo bằng máy theo phương pháp gieo thẳng. Chị Luyến đã ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) thu mua toàn bộ sản phẩm thóc tươi với giá thỏa thuận tại thời điểm thu hoạch đảm bảo đầu ra ổn định. Nhờ vậy, tuy sản lượng thu hoạch lớn, nhưng chị không phải lo việc bảo quản, tồn đọng sau khi thu hoạch. Chị Luyến chia sẻ: Có được đầu ra chắc chắn cho sản phẩm tôi mới yên tâm đầu tư sản xuất để cây lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu chế biến. Ký hợp đồng với Công ty, chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm. Ngoài ra Công ty thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống theo dõi, kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh để khuyến cáo biện pháp phòng trừ hiệu quả. Chỉ tính trong năm 2019, với diện tích hơn 17ha, trừ mọi chi phí, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ kết quả đạt được, hiện chị Luyến đang tiếp tục thuê thêm gần 5ha ở cùng cánh đồng để mở rộng quy mô sản xuất. Băn khoăn lớn nhất hiện nay của chị Luyến khi mở rộng sản xuất chính là công tác phòng trừ sâu bệnh vì thiếu lao động. Để giải quyết khó khăn trên, chị dự định đầu tư thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật khắc phục thiếu lao động, đảm bảo nhanh, kịp thời khi phun trừ sâu bệnh song lại thiếu vốn. Chị Luyến mong muốn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập cho gia đình và người lao động địa phương. 

Hai mô hình sản xuất tập trung ruộng đất quy mô lớn của anh Nguyễn Văn Hưng và chị Trần Thị Luyến ở Vụ Bản cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy của người nông dân về tích tụ ruộng đất. Đây là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ruộng đất được tích tụ là điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới vào quá trình sản xuất, là cơ sở để giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác cho người sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com