Nghĩa Bình phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:11, 28/11/2019

Những năm qua, phong trào sinh vật cảnh ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) ngày càng phát triển, vừa là thú chơi tao nhã, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp vừa mang lại nguồn thu nhập khá, cải thiện đời sống người dân.

Anh Bùi Hồng Thái ở xóm 11, xã Nghĩa Bình chăm sóc vườn cây bonsai gắn đá.
Anh Bùi Hồng Thái ở xóm 11, xã Nghĩa Bình chăm sóc vườn cây bonsai gắn đá.

Hội Sinh vật cảnh xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) hiện có 71 hội viên. Thời gian qua, mặc dù thị trường sinh vật cảnh không sôi động như giai đoạn cao trào nhưng phong trào sinh vật cảnh ở Nghĩa Bình vẫn được duy trì, phát triển, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm gia đình. Người dân trong xã đã tận dụng diện tích đất xấu, vườn tạp, gò đống bỏ hoang để trồng cây cảnh, cây thế. Hiện tổng diện tích đất trồng cây cảnh của xã được mở rộng gần 8ha với các loại cây cảnh, cây bóng mát, cây công trình; trong đó phần lớn là cây cảnh nghệ thuật, bonsai. Để nâng cao tay nghề cho hội viên, hàng năm Hội Sinh vật cảnh xã tổ chức tham quan các nhà vườn, địa phương trồng cây cảnh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh. Năm 2019, Hội Sinh vật cảnh xã đã giới thiệu 35 hội viên tham dự các lớp dạy nghề sinh vật cảnh trong thời gian 3 tháng do Hội Sinh vật cảnh huyện tổ chức; thành lập các tổ kỹ thuật truyền nghề giúp đỡ các hội viên uốn tỉa, tạo dáng, thế cây cảnh; mở lớp tập huấn về trồng hoa, cây cảnh tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã. Hàng năm, UBND xã hỗ trợ kinh phí khuyến khích hội viên đưa cây cảnh tham dự các cuộc trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh để quảng bá sản phẩm, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và tìm đầu ra cho cây cảnh. Trong năm 2019, Hội Sinh vật cảnh xã đã đưa hàng chục tác phẩm tham dự Festival Sinh vật cảnh, đá quý, đá phong thuỷ thành phố Thanh Hoá, Festival Sinh vật cảnh Thủ đô Hà Nội, Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng; trong đó 2 tác phẩm giành Huy chương Vàng, 2 tác phẩm giành Huy chương Bạc và 1 tác phẩm giành Huy chương Đồng. Cũng qua các cuộc triển lãm, nhiều hội viên, nhà vườn đã tìm được đối tác giao thương, trao đổi sản phẩm.

Điểm nhấn trong phát triển kinh tế sinh vật cảnh của xã là xây dựng những mô hình mẫu trồng, chăm sóc sinh vật cảnh để từ đó nhân ra diện rộng. Nhiều gia đình hội viên đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế từ mô hình cây cảnh, cây thế. Ông Bùi Văn Kiên, ở xóm 1 phát triển mô hình nhà vườn cây cảnh. Trên tổng diện tích 1.000m2, ngoài phần đất làm nhà ở và ao thả cá, toàn bộ đất còn lại ông trồng hàng trăm cây cảnh các loại như sanh, lộc vừng, tùng la hán… đã được hoàn thiện về dáng, thế có giá trị hàng trăm triệu đồng. Hiện tại trong khuôn viên nhà ông có 1 cây sanh dáng “làng”, cặp cây sung có tuổi đời gần 100 năm được giới buôn cây định giá khoảng 700 triệu đồng. Anh Bùi Hồng Thái ở xóm 11 đến với cây cảnh từ năm 2010, từng trải các phong cách cây cảnh. Gần đây, nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh Thái chuyển hướng mới sản xuất cây cảnh bonsai ghép đá độc đáo và đẹp mắt, được giới cây cảnh đánh giá cao. Anh Thái cho biết: Để làm ra một tác phẩm bonsai ghép đá phải mất từ 2-3 năm, trải qua các công đoạn như chăm sóc gốc, tạo dáng, ghép cây, chọn hình đá hợp với dáng cây… Giá trị của mỗi cây cảnh nghệ thuật ghép đá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: gốc bonsai có thế đẹp, màu sắc đá hợp phong thủy với khách hàng. Hiện, gia đình anh sở hữu khoảng 200 cây cảnh nghệ thuật là sanh, si, tùng la hán, tùng tuyết, thông nhựa, ngàn sao (còn gọi là cây Bạch tuyết mai)… có giá trị hàng chục triệu đồng/cây, trong đó có nhiều cây ghép đá “độc, lạ” như linh sam, sam núi… chỉ cao 40-50cm nhưng dáng cổ, màu đá đẹp, được định giá hàng chục triệu đồng. Hiện nay anh Thái đang đầu tư chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh để hoàn thiện mô hình nhà vườn sinh thái rộng khoảng 3.600m2 với tạo hình khu đồi nhân tạo trồng cây cảnh nghệ thuật kết hợp ao cá, đầm sen. Anh Hoàng Như Doãn ở xóm 13, là giáo viên Trường Trung học cơ sở xã Nghĩa Bình cũng sở hữu một vườn cây cảnh khá đa dạng diện tích trên 1.200m2 với gần 80 cây hoàn thiện. Lúc cao điểm, gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng từ bán cây cảnh. Hiện tại, cây cảnh giá trị nhất anh đang sở hữu là cây sanh dáng “trực” có tuổi đời gần 100 năm, đạt các tiêu chí “cổ, kỳ, mỹ”; từng tham dự và đoạt giải cao tại các triển lãm sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh. Không chỉ phát triển cây cảnh của gia đình, là người có kinh nghiệm truyền đạt với kỹ năng sư phạm nên anh Doãn còn tâm huyết tham gia tổ kỹ thuật hướng dẫn các hội viên khác uốn tỉa, tạo dáng, thế cây cảnh…, góp phần đưa phong trào sinh vật cảnh của xã ngày càng phát triển. Từ nghề trồng và tạo tác cây cảnh nghệ thuật, qua hoạt động giao lưu, nhiều hội viên năng động đã chuyển đổi sang trồng, mua bán các loại hoa, cây trang trí. Ông Bùi Quang Thanh, ở xóm 13 đầu tư 2 khu trồng cây cảnh với đa dạng chủng loại như sứ, lan đai châu, hoa giấy, vạn tuế… Mỗi năm, ông xuất ra thị trường hàng chục chậu hoa sứ và các loại cây hoa trang trí, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Chi hội Sinh vật cảnh xóm 2 phát triển kinh doanh các loại cây giống; mỗi năm xuất hàng trăm đơn hàng đi thị trường các tỉnh phía Nam. Mặc dù giá trị thu nhập không cao nhưng sức tiêu thụ ổn định, đảm bảo cho người sản xuất “lấy ngắn nuôi dài”, duy trì nghề sinh vật cảnh, không quá lệ thuộc vào một phân khúc thị trường. Một số hội viên đầu tư mở cơ sở kinh doanh vật tư cho nghề sinh vật cảnh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như các hội viên: Vũ Ngọc Tung ở xóm 1, Đặng Văn Thủy ở thị tứ Nghĩa Bình vừa trồng cây cảnh vừa sản xuất ang, chậu trồng cây cảnh, tiểu cảnh non bộ.

Phong trào sinh vật cảnh ở xã Nghĩa Bình phát triển khá toàn diện cả về tổ chức hội và hiệu quả kinh tế, là một trong những địa phương có phong trào sinh vật cảnh mạnh của huyện Nghĩa Hưng. Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh xã tiếp tục củng cố về tổ chức hội, phát triển phong trào, mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hoá, góp phần tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn “xanh - sạch - đẹp”./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com