Nam Trực tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

08:11, 11/11/2019

Thời gian qua, huyện Nam Trực đã tích cực chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống cây trồng có tiềm năng năng suất, chất lượng, tiêu thụ thuận lợi và giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản, trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Sản xuất khoai tây tại vùng đồng màu xã Nam Hùng.
Sản xuất khoai tây tại vùng đồng màu xã Nam Hùng.

Đối với cây lúa, các giống cũ dài ngày, năng suất thấp được thay thế bằng các giống mới ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đáp ứng yêu cầu thị trường như: BT7, BC15, TBR225 hay các giống lúa lai 3 dòng S9368, Syn 98… vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Cơ giới hóa các khâu sản xuất từ gieo sạ, làm đất đến thu hoạch tại Nam Trực ngày càng mở rộng. Năm 2018, toàn huyện có 1.530 máy làm đất các loại, 167 máy gặt đập liên hợp, 560 dụng cụ sạ hàng đảm bảo cơ giới hóa 100% khâu làm đất, thu hoạch; trên 80% diện tích gieo cấy bằng phương pháp gieo sạ. Huyện đã xây dựng được một số mô hình sản xuất chuyên canh như: Mô hình trồng lúa Dự hương quy mô 350ha tại các xã Bình Minh, Nam Thái, Nam Hải, Nam Tiến...; mô hình vùng trồng lạc vụ xuân diện tích 700ha tại các xã, thị trấn Nam Hoa, Nam Hùng, Nam Giang, Nam Dương; mô hình vùng trồng khoai tây vụ đông quy mô 750ha tại các xã Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Giang, Nam Dương; mô hình trồng hoa, cây cảnh tại các xã: Điền Xá, Nam Toàn, Nam Mỹ, Nam Thắng quy mô 370ha, thu hút khoảng 3.000 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng. Các xã Nghĩa An, Nam Toàn, Nam Hoa, Nam Hồng... đã chủ động chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây cảnh và phát triển nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối tượng con nuôi thủy sản ngày càng đa dạng với các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, thị trường ổn định. Phương thức chăn nuôi chuyển dịch nhanh từ quy mô nhỏ lẻ, tận dụng sang công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường. Toàn huyện có 18 trang trại và 345 gia trại, giá trị sản xuất hàng hóa bình quân trên 900 triệu đồng/gia trại. Các điều kiện vật chất, kỹ thuật và biện pháp thâm canh trong chăn nuôi ngày càng được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng thực hiện như: nuôi lợn ngoại tỷ lệ nạc cao, vịt siêu trứng, chăn nuôi trong hệ thống chuồng kín; hầu hết các trang trại đã thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống hầm bi-ô-ga... Công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt huyện Nam Trực đã tích cực xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Hiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Dương đang liên kết với các xã, hợp tác xã của huyện xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao Bắc thơm 7 cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhờ đó, năm 2018 giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện đạt 1.507 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng so với năm 2011; giá trị sản phẩm bình quân 1ha đất canh tác tăng từ 75 triệu đồng/ha lên 110 triệu đồng/ha; tỷ trọng giá trị sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao tăng từ 30% lên 85%; sản lượng lương thực bình quân quy thóc đạt 90.153 tấn/năm.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Nam Trực vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa thực sự hiệu quả. Nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật, mô hình tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả cao chưa được nhân rộng nhanh. Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và khuyến khích cơ giới hóa chậm được thực hiện, người dân khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang đã và đang diễn ra ở một số địa phương… do thiếu lao động hoặc hiệu quả sản xuất không cao. Diện tích sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa của huyện chưa cao. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư còn gặp khó khi hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tỷ trọng nông sản, thực phẩm hàng hóa trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa cũng như yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ban Nông nghiệp của một số xã hoạt động chưa hiệu quả; phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ ở nhiều hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi chưa chuyển biến tích cực, chưa hỗ trợ nhiều cho phát triển kinh tế hộ xã viên.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, để chuyển dịch nhanh, toàn diện cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất. Tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao, sản xuất gắn với tiêu thụ. Tiếp tục mở rộng và tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư xây mới hệ thống điện, nước phục vụ gieo trồng cây màu, vùng nuôi thủy sản, vùng trồng hoa, cây cảnh; từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông, thủy sản của địa phương. Hỗ trợ, mở rộng vùng trồng rau, củ, quả an toàn tại các xã vùng màu. Chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản. Hỗ trợ kinh phí cải tạo đất, khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang. Hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thành lập hợp tác xã mới. Ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các mô hình thu gom, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp xây dựng thành công các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com