Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bảo vệ môi trường

08:11, 14/11/2019

Với mong muốn giúp người nuôi tôm phát triển sinh kế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ vụ nuôi xuân hè năm 2018, nhóm tác giả Trần Ngọc Hải Bình, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và Đỗ Văn Tiến, Trung tâm giống thủy đặc sản Nam Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hợp tác nghiên cứu giải pháp “Thiết kế cao trình đáy ao phù hợp, để thu gom chất thải của tôm hàng ngày bằng dụng cụ xi phông đáy, giảm ô nhiễm nguồn nước, cải thiện chất lượng nước nuôi tôm” thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường tại xã Giao Long (Giao Thủy). Sau 3 vụ nuôi, mô hình đã khẳng định hiệu quả thực tế về kinh tế, xã hội, môi trường, được nhiều chủ cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng thành công. 

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bảo vệ môi trường của anh Đỗ Văn Tiến, xã Giao Long (Giao Thủy).  Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bảo vệ môi trường của anh Đỗ Văn Tiến, xã Giao Long (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hiện nay, đa số các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh vì mục tiêu lợi nhuận đều có xu hướng tận dụng tối đa diện tích để nuôi, không dành diện tích làm ao lắng để xử lý nước nuôi tôm trước khi xả ra môi trường. Hệ thống nước biển cấp vào ao nuôi cũng chỉ được lọc thô nên mang theo địch hại có mầm bệnh từ ngoài xâm nhập vào. Cao trình đáy thấp, nước trong ao chỉ từ 1,2-1,5m nên chất thải của tôm thường lưu cữu trong ao tạo khí độc Hidro sunfua (H2S) khiến tôm dễ nhiễm bệnh và chết. Tôm chỉ sống ở tầng nước giữa (nơi ít bị ô nhiễm nhất) nên mật độ nuôi thả của ao nuôi truyền thống chỉ từ 100-170 con/m2. Nuôi thả mật độ thấp, nguy cơ rủi ro dịch bệnh cao, lợi nhuận thu được từ ao nuôi tôm cũng không ổn định, nguy cơ mất trắng cao. Từ vụ nuôi xuân hè năm 2018 đến nay, cơ sở nuôi trồng thủy sản của anh Đỗ Văn Tiến, xã giao Long (Giao Thủy) đã áp dụng giải pháp mới, đồng bộ từ khâu cải tạo ao, kiểm soát được chất thải, bùn đáy ao với quy mô nuôi 3ha. Theo đó, đáy ao được san phẳng, diệt tạp bằng vôi và nâng cao trình đáy từ 1,2m lên 1,5m nhằm kiểm soát chất lượng nước, thức ăn, dịch bệnh tôm tốt hơn. Đối với ao có diện tích 1.000m2, đáy được thiết kế hơi nghiêng, dốc 10 độ về phía cuối ao, cách bờ ao sau 10m và một chiếc “rốn ao” đường kính 50cm có tác dụng để khi các máy sục khí hoạt động sẽ dồn toàn bộ chất thải của tôm và thức ăn dư thừa xuống. Sau đó, công nhân sẽ dùng xi phông hút các loại cặn bẩn, chất thải lên để xử lý. Ngoài ra, hệ thống ao nuôi tôm của anh Tiến còn áp dụng hệ thống lọc nước ngược tiên tiến. Việc xử lý chất thải tại ao nuôi tôm được bố trí ở 13/27 ao lắng để lắng lọc nước thải trước khi thải ra môi trường; hệ thống thu gom nước thải tập trung bằng đường ống bê tông trước khi thoát ra biển. Khi áp dụng giải pháp này, thay vì chỉ nuôi với mật độ 100-170 con/m2 như phương pháp nuôi truyền thống, anh Tiến có thể tăng mật độ nuôi lên 500-700 con/m2 do tôm sống đồng đều ở cả 3 tầng nước, thay vì chỉ tập trung sống ở tầng giữa như những ao nuôi thông thường. Nuôi theo phương pháp mới tôm sinh trưởng nhanh, phát triển đồng đều, hoàn toàn khỏe mạnh nên trong suốt quá trình nuôi, cơ sở không phải sử dụng loại thuốc kháng sinh, hóa chất nào. Với mật độ nuôi cao hơn nên năng suất của mô hình cao gấp 4-5 lần so với ao nuôi truyền thống, tôm có chất lượng thịt thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện cơ sở đã thu hoạch được 3 vụ và đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch thứ 4. Theo hạch toán kinh tế tại cơ sở của anh Tiến, mỗi héc ta áp dụng giải pháp mới cho lãi 14 tỷ đồng/năm so với phương pháp cũ. Giải pháp không chỉ đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm mà còn giải quyết được vấn đề kinh tế cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản khi không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, vốn đầu tư nhưng lại thu lợi nhuận lớn; khắc phục được vấn đề môi trường do nước thải của quá trình sản xuất được đưa vào ao lắng thả rong biển và cá rô phi để làm sạch nước nên không gây hại môi trường, không làm tầng nước ngầm bị ảnh hưởng và sinh thái tự nhiên cửa biển được bảo toàn.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tuy nhiên, đi liền với năng suất tăng, giá trị kinh tế lớn là tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thủy sản lây lan nếu không có sự kiểm soát, ý thức của các doanh nghiệp và cơ sở nuôi. Một trong những áp lực đối với môi trường là việc lạm dụng và xử lý các loại hóa chất cấm, độc hại sử dụng trong cải tạo và xử lý ao đầm; tình trạng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh để chữa bệnh cho tôm không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà cả môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, tình trạng các hộ nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xử lý bùn thải đúng quy định vừa gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các hộ khác lấy phải nguồn nước ô nhiễm vào nuôi, vừa gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước ngầm, nước mặt và gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống cho người dân khu vực xung quanh. Việc áp dụng hệ thống lọc nước ngược, xử lý chất thải và môi trường trong ao nuôi của anh Đỗ Văn Tiến đã đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp toàn vùng, không gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, hạn chế làm lây lan, bùng phát dịch bệnh khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn môi trường nuôi toàn vùng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com