Giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm sạch, an toàn

07:11, 28/11/2019

Trước tình trạng nhiều loại thực phẩm “bẩn” bày bán tràn lan trên thị trường thời gian qua, việc giúp người tiêu dùng tiếp cận được những thực phẩm sạch, an toàn đã được các ngành chức năng quan tâm. Trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực hỗ trợ đưa sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc đến người tiêu dùng.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra quy trình chế biến, sản xuất ngao sạch của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam.
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra quy trình chế biến, sản xuất ngao sạch của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng và vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là cơ hội tốt cho người sản xuất, nuôi trồng và chế biến thực phẩm nông sản. Tuy nhiên, để nông sản sạch của nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ được trong chuỗi giá trị cao thì phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm như VietGAP, HACCP... Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại, khuyến khích phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Hiện nay, tỉnh ta có hơn 20 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu các mô hình, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu để các đơn vị, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trong khu vực miền núi phía Bắc tìm hiểu, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Để cung cấp ra thị trường nguồn nông sản, thực phẩm sạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm rau, quả, thịt, thủy sản… Hiện nay, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản tươi và chế biến của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu, vị trí trên thị trường như: Giò 7 phút Nam Phát, nước mắm Ninh Cơ, sứa Tân Phát... Một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt và được xuất khẩu chính ngạch như: ngao Lenger xuất sang thị trường EU, nông sản sấy Minh Dương xuất sang Bắc Kinh (Trung Quốc)... Các sản phẩm sạch đang dần có chỗ đứng trong thị trường, được người dân tin dùng. Bên cạnh đó, Trung tâm giới thiệu nông sản sạch thuộc Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cơ sở số 2 Trần Thánh Tông đi vào hoạt động hơn 1 năm, giới thiệu, cung ứng gần 200 mặt hàng nông sản của trên 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm đều đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, thu hút được đông đảo người dân quan tâm mua sắm với mức tiêu thụ lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở rộng thêm 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại số 84 Hai Bà Trưng và số 142 Hàn Thuyên. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tháng 12-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của các cơ sở, doanh nghiệp và người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn hơn. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các cơ sở đăng ký xây dựng và áp dụng VietGAP, HACCP theo mẫu. Tổ chức đoàn khảo sát từng cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố. Lựa chọn đủ số lượng các cơ sở để hỗ trợ áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt VietGAP và áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến HACCP ở 53 cơ sở bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp áp dụng HACCP. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức xây dựng và áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt VietGAP và áp dụng tiêu chuẩn HACCP. Xây dựng ấn phẩm truyền thông quảng bá cho cơ sở về quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ thông tin mở mã định danh và hỗ trợ ban đầu tem QRcod cho sản phẩm của các cơ sở sản xuất gắn với sơ chế, chế biến để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm của cơ sở và thực hiện quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả. Xây dựng biển hiệu để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, nhận biết với cơ sở sản xuất khác không áp dụng VietGAP.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, người tiêu dùng cũng nên quan tâm, lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để mua hàng hóa. Mỗi người tiêu dùng là một mắt xích quan trọng trong việc giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, là người quyết định ngăn ngừa và loại bỏ những thực phẩm không đảm bảo chất lượng./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com