Cam go cuộc chiến chống gian lận xuất xứ

09:11, 22/11/2019

Trước diễn biến khó lường trong cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ nước ngoài trung chuyển qua nước ta rồi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường trong nước đã xuất hiện nhiều hơn. Các lực lượng chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, song trên thực tế công tác này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Cảnh báo hình thức gian lận mới

Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, nếu như năm 2016-2017, các vụ việc nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam được phát hiện đều có số lượng nhỏ, trị giá hàng hóa không lớn, thì năm 2018 nhiều vụ việc được phát hiện ở quy mô lớn, nhiều vụ trong số đó đang được đề nghị khởi tố hình sự. Đơn cử, vụ việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp gas đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam. Hay vụ Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Trần Vượng, trong tờ khai hải quan có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa ghi là 10.217 USD. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro. Trên thùng loa có ghi tiếng Việt về nhãn hiệu và nơi sản xuất với trụ sở tại quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh). Vụ việc này đang được đề nghị khởi tố vụ án hình sự.

Hay mới đây, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 khi kiểm tra container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã phát hiện toàn bộ hàng hóa là gian lận, giả mạo xuất xứ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cao-su Talalay Việt Nam đứng tên trên tờ khai hải quan. Doanh nghiệp khai báo hàng hóa gồm 317 kiện (7,2 tấn) là chăn, nệm, gối các loại, xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi khui các thùng hàng kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện trên mỗi sản phẩm đều ghi xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam), song bên ngoài thùng carton chứa hàng lại ghi “Made in China”.

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Thời gian qua, các nước ồ ạt khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp phải đối mặt với việc nhiều mặt hàng Việt Nam như: đá nhân tạo, gỗ, sắt, thép... đang lọt vào danh sách cảnh báo nguy hiểm bị Mỹ điều tra chống bán phá giá.

Theo đánh giá của ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Hải quan, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc giảm nhưng từ quốc gia thứ ba lại tăng vọt. Đó là các mặt hàng như nhựa, dụng cụ quang học... xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ gần đây tiếp tục tăng mạnh, Mỹ đã dùng những từ “nhạy cảm” đánh giá sự tăng trưởng quá nhanh của xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này. Cùng với đó, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh, tới hơn 40%.

Theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Việt Nam hiện đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vì vậy hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo, hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… nhằm hưởng mức thuế suất ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam được áp dụng.

Giải thích lý do tại sao Việt Nam lại là nơi chuyển tải, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại Mỹ, USAID cho rằng, Việt Nam là đối tác thương mại đầu tư lý tưởng khi tham gia nhiều FTA với tất cả các nền kinh tế chính. Việt Nam là nguồn nhập khẩu lớn thứ năm của Mỹ tại châu Á, hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm. Chính vì vậy, rất nhiều quốc gia khác muốn lợi dụng thế mạnh này của Việt Nam nhằm trục lợi. Hải quan Mỹ có nguyên tắc chung là quản lý rủi ro, nên với hàng hóa từ thị trường có rủi ro cao sẽ được kiểm tra chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn. Do vậy, hàng hóa của doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ có nguy cơ chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi xuất vào Mỹ. Ngoài ra, một số quốc gia, thị trường khác cũng cảnh giác với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngăn chặn hàng hóa “mượn đường” và đội lốt

Những vụ việc vừa bị Hải quan Việt Nam phát hiện nêu trên được cho là động thái tích cực, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan hữu trách Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề chuyển tải bất hợp pháp, vấn đề đang được quan tâm trong quan hệ thương mại quốc tế nói chung và quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ nói riêng.

Trước nguy cơ bị “mượn đường” và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong các FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao đối với các cơ quan chức năng, các bên có liên quan.

Theo ông Mai Xuân Thành, nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận, giả mạo xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm siết chặt quản lý hoạt động này. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp Tổng cục, Cục và Chi cục. Cơ quan hải quan cũng đã khuyến nghị doanh nghiệp nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Việt Nam đã nhận thức được các nguy cơ và rủi ro, nên đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các lực lượng chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể hóa Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ”. Đây là quan điểm nhất quán về chống gian lận, giả mạo xuất xứ. Tổng cục Hải quan đã phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị, phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu nhằm loại bỏ các mặt hàng từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam lấy xuất xứ để xuất khẩu sang nước thứ ba, cạnh tranh không lành mạnh với các nhà sản xuất trong nước./.

Theo Thời Nay

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com