Triển khai hiệu quả công tác vệ sinh, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật

08:10, 08/10/2019

Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, phát triển và lây lan trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ sản xuất, sức khỏe cộng đồng và môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng vụ thu và tổ chức “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” đợt II năm 2019.

Lực lượng thú y huyện Trực Ninh phun vôi bột để tiêu độc, khử trùng tại hộ chăn nuôi thuộc địa bàn xã Trực Chính.
Lực lượng thú y huyện Trực Ninh phun vôi bột để tiêu độc, khử trùng tại hộ chăn nuôi thuộc địa bàn xã Trực Chính.

Là địa phương đầu tiên trong tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nên huyện Trực Ninh rất tích cực thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, nhất là ở các khu vực cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ gia súc, gia cầm; các chợ đầu mối buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm gia súc, gia cầm. Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng dịch tả cho đàn lợn, lở mồm long móng cho trâu, bò, dê và phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ năng tiêm phòng cho đội ngũ trưởng thú y các xã, thị trấn; nhập 15.500 liều vắc-xin đảm bảo chất lượng sẵn sàng cấp phát kịp thời cho các địa phương tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch. Phối hợp với Đài Phát thanh huyện, hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền thường xuyên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiêm phòng và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với sự an toàn của đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm nói riêng và môi trường nói chung nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện, góp phần thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Phân công cán bộ kỹ thuật chủ động bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêm phòng và tiêu độc, khử trùng đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, động vật trong quá trình triển khai; đồng thời tiếp nhận, phân bổ và cấp hóa chất theo kế hoạch cho các xã, thị trấn... Đồng chí Mai Trung Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về công tác tiêm phòng và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phát động nhân dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh phát quang cây xanh, khơi thông cống rãnh trên toàn địa bàn. Yêu cầu các hộ chăn nuôi quét dọn sạch sẽ khu vực chăn nuôi, xung quanh chuồng trại và thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn lấp; xác động vật chết phải đào lỗ chôn sâu, tuyệt đối không vứt ra môi trường làm phát tán, lây lan dịch bệnh; chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hàng tuần tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chợ. Xã yêu cầu các hộ có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi phải phun thuốc sát trùng, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu chăn nuôi mỗi tuần 1 lần; rắc hoặc phun nước vôi toàn bộ lối đi và xung quanh chuồng trại. Nhờ đó đến ngày 30-9, công tác tiêm phòng của xã đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật đợt II trên địa bàn đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia...

Không chỉ huyện Trực Ninh mà trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, kế hoạch tiêm phòng và tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đều được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhằm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi cũng như môi trường. Theo kế hoạch, toàn tỉnh tập trung tiêm phòng vụ thu năm 2019 từ ngày 10-9 đến 10-10-2019. Đối với đàn lợn tiêm vắc-xin phòng các bệnh lở mồm long móng, tai xanh, phó thương hàn, tụ dấu; với trâu, bò tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đối với bệnh cúm gia cầm, tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Phấn đấu tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho khoảng 29 nghìn con trâu, bò, dê; tiêm phòng dại cho 95 nghìn con chó. Riêng đối với dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn lợn, năm nay do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn của tỉnh giảm trên 33% so với cùng kỳ năm ngoái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát lại số đầu lợn để xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm phòng đảm bảo hiệu quả. Do làm tốt công tác tuyên truyền, chuẩn bị đầy đủ lượng vắc-xin, chủ động huy động lực lượng cán bộ thú y tổ chức ra quân tiêm phòng nên đến đầu tháng 10, các địa phương đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tiêm phòng theo kế hoạch... Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” phòng, chống dịch bệnh động vật đợt II năm 2019 từ ngày 25-9 đến ngày 25-10 nhằm huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể và toàn thể nhân dân ra quân thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường như: vi-rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn, dịch tai xanh ở lợn, cúm gia cầm... Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống các loại dịch bệnh đối với đàn vật nuôi. Vì vậy, việc tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện theo đúng quy trình: vệ sinh cơ giới trước, sau đó mới tiến hành phun hóa chất khử trùng, tiêu độc hoặc rắc vôi bột. Các biện pháp tiêu độc, khử trùng phải đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và thực hiện đồng thời ở các hộ gia đình, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, các hộ, cơ sở chăn nuôi cần thường xuyên phát quang quanh khu vực chăn nuôi, khơi thông cống rãnh, quét dọn vệ sinh, thu gom phân, rác thải, chất thải để xử lý; phun thuốc sát trùng, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu chăn nuôi; kết thúc mỗi đợt nuôi phải quét nước vôi 10-20% toàn bộ nền, tường chuồng nuôi. Đối với các cơ sở ấp nở, kinh doanh giống gia súc, gia cầm, thủy cầm phải tiến hành phun thuốc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích khu vực nuôi nhốt con giống, đường ra vào và các phương tiện vận chuyển. Đối với cơ sở giết mổ, khu vực chợ cần quét dọn, thu gom chất thải, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày sau mỗi ca sản xuất. Đặc biệt đối với những hộ nuôi lợn đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi cần cải tạo chuồng trại, quét dọn, thu gom phân, rác thải, nước thải, xử lý triệt để bằng cách đốt hoặc chôn, tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất hoặc vôi bột. Các xã, phường, thị trấn còn phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo, sau đó thực hiện 1 lần/tuần. Các xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 1 lần/tuần liên tục trong 1 tháng. 

Việc tích cực thực hiện kế hoạch tiêm phòng và “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” đợt II sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng, chống phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm, đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi và môi trường, bảo vệ kết quả sản xuất cho người chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Văn Đại 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com