Khắc phục hạn chế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

07:10, 11/10/2019

Cùng với nỗ lực tự vươn lên của các doanh nghiệp, những năm gần đây tỉnh đã đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, chương trình huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành trong tỉnh tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tuyến Quốc lộ 10 đoạn qua địa phận thành phố Nam Định góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Tuyến Quốc lộ 10 đoạn qua địa phận thành phố Nam Định góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tập trung thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy định như: Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2018 của tỉnh; các quy định chi tiết một số nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh; các quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 15-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính... Trong đó, các sở, ban, ngành đã chú trọng rà soát, đề xuất cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ, gồm: cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường; cắt giảm chi phí xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; cắt giảm chi phí đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; giảm phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên cho doanh nghiệp theo hướng phù hợp với các quy định. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ theo tinh thần phục vụ nhà đầu tư, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng, khiến doanh nghiệp phải trả những chi phí không chính thức. Nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực như: dịch vụ hải quan, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tranh thủ các nguồn vốn, ưu tiên hỗ trợ nhóm doanh nghiệp chủ lực của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm thủy sản và chế tạo cơ khí thông qua việc tăng cường cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường quốc tế. Đến nay, nhiều doanh nghiệp, làng nghề đã xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế với các sản phẩm, nhãn hiệu có uy tín trên thị trường như: nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, gạo sạch Toản Xuân, nông sản sấy Minh Dương, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal; trong đó nhãn hiệu ngao Giao Thủy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, vùng nuôi ngao các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng đã được EU công nhận là vùng nuôi an toàn cấp độ C...  Việc quyết liệt tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp còn thể hiện qua kết quả thay đổi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 đạt 63,01 điểm, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 1,58 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2017, tạo sự khích lệ lớn, thu hút cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh. Thu hút đầu tư những năm gần đây của tỉnh đều đạt kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, tỉnh lọt vào “top 3” các tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất trong một năm. 9 tháng đầu năm 2019, tiếp tục có nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về tiếp cận, xúc tiến đầu tư. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 57 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 5.189,4 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018; 8 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 193,46 triệu USD.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động tháo gỡ các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp đang còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, quản trị kinh doanh, xúc tiến thương mại của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đã từng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tại tỉnh gần như thấp nhất cả nước. Công tác đào tạo nghề của tỉnh còn thiếu tính liên kết với các doanh nghiệp, trong khi trang thiết bị đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, lạc hậu dẫn đến người lao động khó được tiếp cận với công nghệ hiện đại, tiên tiến, doanh nghiệp phải chi phí ngày càng nhiều cho công tác tuyển dụng và đào tạo lao động. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã hoạt động nhưng kết nối thông tin giữa các sở, ngành và Trung ương chưa đồng bộ; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa nhiều, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 chiếm tỷ lệ rất ít. Hiệu quả hoạt động và chất lượng của Cổng thông tin điện tử của tỉnh cũng như trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin, nhất là tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý của doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn chưa đi vào thực chất; trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa triệt để, việc phát hiện và xử lý vi phạm chưa kịp thời, vẫn còn để xảy ra tình trạng lạm dụng chức quyền, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp... 

Nhằm tiếp tục tháo gỡ những rào cản, giúp doanh nghiệp phát triển, thời gian tới tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tăng cường tính kết nối thông tin của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở, ngành và Trung ương; rà soát, đánh giá dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của các cơ quan đơn vị, đảm bảo vận hành ổn định, đúng quy trình, thủ tục hành chính; xây dựng và đưa vào vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, giải quyết khó khăn, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến công nghệ, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại, đào tạo về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh, tìm kiếm thông tin thị trường. Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả đào tạo của các trường, cơ sở dạy nghề; tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong dạy nghề để nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lao động tại chỗ, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com