Tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong xử lý nợ xấu

07:09, 11/09/2019

Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội (Nghị quyết số 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2017 đã tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi với biện pháp mạnh mẽ để giải quyết, xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết đã xuất hiện một số vướng mắc thực tế cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, tháo gỡ để đạt được mục tiêu đề ra.

Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Giao Thuỷ.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Giao Thuỷ.

Tại tỉnh ta, thực hiện Đề án cơ cấu lại hoạt động, tổ chức gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các tổ chức tín dụng đã được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phê duyệt; các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp theo phương án đã được phê duyệt để xử lý nợ quá hạn, nợ xấu nhằm đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Nhờ vậy, thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 là 1.469 tỷ 593 triệu đồng, so với thời điểm 14-8-2017 tăng 50 tỷ 433 triệu đồng (tỷ lệ tăng 3,55%), so với quý I năm 2019 tăng 48 tỷ 499 triệu đồng (tỷ lệ tăng 3,41%). Các khách hàng có nợ xấu tập trung chủ yếu ở các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may; ngành vận tải, kho bãi. Trước tình hình trên, 6 tháng đầu năm 2019, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở triển khai và báo cáo kết quả thực hiện xử lý nợ xấu của các đơn vị, tập trung các giải pháp chủ yếu bám sát theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 42. Qua thống kê tổng hợp, đến nay, tổng nợ xấu đã được xử lý là 1.115 tỷ 542 triệu đồng; trong đó, xử lý nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 963 tỷ 757 triệu đồng, chủ yếu là khách hàng trả nợ (16 ngân hàng); sử dụng dự phòng rủi ro (8 ngân hàng); nhận tài sản đảm bảo thay cho nghĩa vụ trả nợ (Chi nhánh Ngân hàng Á Châu). Còn lại 151 tỷ 785 triệu đồng là xử lý nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán. 41 Quỹ Tín dụng nhân dân đã xử lý được 6 tỷ 634 triệu đồng chủ yếu là do khách hàng trả nợ. Số tiền xử lý được chủ yếu từ 2 nguồn sử dụng nguồn quỹ dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. Có 2 đơn vị là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh tỉnh Nam Định và Ngân hàng Quân đội (MB) Chi nhánh Nam Định áp dụng chính sách tại Nghị quyết số 42 là tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo theo đúng quy định, có sự thỏa thuận với khách hàng và đã bán được tài sản để thu hồi nợ. Tổng số tiền xử lý bằng tài sản đảm bảo của 2 đơn vị là 18 tỷ 586 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Cụ thể, tại một số địa phương, công tác triển khai Nghị quyết số 42 chưa được các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan phối hợp tiến hành quyết liệt, còn thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, mặc dù quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng được xem như một trong những đột phá của Nghị quyết số 42, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản. Theo quy định tại Nghị quyết số 42, quyền thu giữ tài sản đảm bảo đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản đảm bảo. Trong khi đó, tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng và rất khó thuyết phục khách hàng ký phụ lục khi đã phát sinh nợ quá hạn. Ngoài ra, ngay cả với những khoản vay đáp ứng được điều kiện này, thì việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Ngoài ra, Nghị quyết 42 chỉ quy định về trách nhiệm của cơ quan Công an nói chung trong việc thu giữ tài sản đảm bảo là “Cơ quan Công an nơi có tài sản đảm bảo” (đối với tài sản là bất động sản) và “Cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo” (đối với tài sản là động sản) mà không quy định rõ là cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Đây là điểm vướng mắc lớn đối với công an các cấp trong quá trình phối hợp với các tổ chức tín dụng để đảm bảo an ninh trật tự khi tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thủ tục sang tên cho người mua tài sản đảm bảo, trong chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản…

Thời gian tới, để giảm thiểu tình trạng nợ xấu gia tăng ảnh hưởng đến sự an toàn và tính thanh khoản của toàn hệ thống, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai xử lý, thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết số 42; giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17-9-2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42; nhận diện thực trạng các khoản nợ xấu lớn, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này; đánh giá khả năng thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu để có các giải pháp xử lý hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt kết hợp chấn chỉnh, củng cố hoạt động và tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các Quỹ Tín dụng nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát vi mô của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro, sai phạm. Xử lý nghiêm theo quy định đối với những Quỹ Tín dụng nhân dân có vi phạm, nhất là các vi phạm đã được cảnh báo, vi phạm tái diễn hoặc chậm khắc phục; chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; bảo đảm Quỹ Tín dụng nhân dân hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật. Chú trọng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị điều hành, kiểm soát của các Quỹ Tín dụng nhân dân đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và lộ trình đề ra. Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan phối hợp với hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và ủng hộ của dư luận xã hội về vai trò, ý nghĩa, mục tiêu chính sách, giải pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần làm lành mạnh thị trường tín dụng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com