Cải tạo nâng cao chất lượng hệ thống điếm canh đê

07:09, 16/09/2019

Điếm canh đê là nơi trực tuần tra, canh gác trong mùa mưa bão, điểm tập kết vật liệu hộ đê. Tuy nhiên hiện nay, nhiều điếm canh đê trên địa bàn tỉnh đã không phát huy được vai trò trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn vì đã xuống cấp, hư hỏng nặng, bị bỏ hoang, có nơi người dân địa phương tận dụng để… bán hàng.

Điếm canh đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) bị người dân lấn chiếm để bán hàng và chứa các loại hàng hóa phục vụ kinh doanh.
Điếm canh đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) bị người dân lấn chiếm để bán hàng và chứa các loại hàng hóa phục vụ kinh doanh.

Hệ thống đê điều của tỉnh ta có 91km đê biển và gần 240km đê sông với 4 tuyến đê đại hà là hữu Hồng, sông Đào, sông Ninh và tuyến đê tả Đáy. Trên các tuyến đê biển, đê sông có nhiều hạng mục công trình như: Hệ thống kè, cống, điếm canh đê, hành lang bảo vệ đê và che chắn sóng. Đây là hệ thống công trình phòng, chống bão, lũ, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên hệ thống đê toàn tỉnh có 120 điếm canh đê, trong đó đê biển có 17 điếm; tuyến đê hữu Hồng có 45 điếm; tuyến đê sông Đào 30 điếm; tuyến đê sông Ninh Cơ 14 điếm và tuyến đê tả Đáy 14 điếm. Ngoài ra còn có 6 điếm canh đê bối tại bối Đồng Tâm, xã Đại Thắng (Vụ Bản) và tuyến đê bối xã Xuân Vinh (Xuân Trường). Vào mùa mưa bão hàng năm, điếm canh đê là địa điểm để lực lượng chức năng chốt trực kiểm tra, phát hiện sự cố đê điều và sẵn sàng ứng cứu kịp thời và xử lý ngay từ giờ đầu các hiện tượng nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều điếm canh đê đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phần lớn các điếm canh đê này được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”, tường bị bong tróc nhiều mảng; một số điếm canh đê nằm ở vị trí khuất tầm nhìn, nền điếm thấp hơn mặt đê nên nước trên mặt đê thường chảy vào trong điếm. Theo quan sát của chúng tôi, có không ít điếm canh đê chưa đảm bảo đủ các yêu cầu tối thiểu để lực lượng chức năng, nhân dân ứng trực bảo vệ đê trong mùa mưa bão khi tường bị nứt vỡ, nước mưa dột thành dòng, mặt nền sụt lún, bên trong hoang hóa, không có trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và sặc mùi ẩm mốc. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng lực lượng canh gác đê ít có mặt tại các điếm canh đê theo quy định khi có mưa bão xảy ra. Điển hình như: Điếm canh số 1 tại vị trí Km156+837 trên đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) được xây dựng từ năm 1975 nên tường, trần bị nứt, bong tróc nhiều, mái bị thấm, nền điếm thấp hơn mặt đê; điếm số 2 tại vị trí Km158+80 trên đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) cũng xây từ năm 1975 đến nay đã hư hỏng nặng không sử dụng được; điếm canh đê Hạ Kỳ trên đê tả Đào tại Km022+940 thuộc địa bàn xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) cũng xây từ năm 1973 hiện mái dột, nổ bê tông, trật cốt sắt, tường bong tróc, cánh cửa bị hỏng không sử dụng được. Một số điếm canh đê trên các tuyến đê có đông người qua lại, gần bến, bến bốc xếp hàng hóa… người dân địa phương “biến” thành điểm kinh doanh tạp hóa. Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh có hàng trăm điếm canh đê đang bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo cho công tác phòng, chống lụt bão, cần sửa chữa, cải tạo hay xây mới. Qua trao đổi, một số nhân viên canh gác đê nhân dân và trực điếm canh đê cho biết: Từ nhiều năm nay, thấy điếm canh đê đã bị xuống cấp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, họ đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương đề xuất tu sửa, cải tạo điếm canh đê, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hay xây mới. Còn đại diện chính quyền một số địa phương thì cho rằng: Địa phương đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên về việc cho đầu tư, sửa chữa lại các điếm canh đê trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí duy tu hàng năm hạn chế nên đến nay, các điếm canh đê vẫn chưa được đầu tư xây mới. Đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí nhưng do nhu cầu lớn nên việc sửa chữa, nâng cấp các điếm canh đê chưa đáp ứng được. Theo quy định, trong mùa lũ lực lượng tuần tra, canh gác đê phải tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê khi có báo động lũ từ cấp I trở lên. Hơn nữa trước đây, việc tập kết vật tư phục vụ công tác phòng, chống lụt bão thường tập trung ở các điếm canh đê nhưng hiện nay, vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh được tập kết tại các kho của các huyện, thành phố; kho của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi và các Hạt quản lý đê điều. Tại mỗi hộ dân và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đều được giao chỉ tiêu chủ động mua sắm, trang bị một số loại vật tư cần thiết như: Bao tải, cuốc, xẻng… vì thế, các công trình điếm canh đê ít phát huy tác dụng trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. 

Để đảm bảo các công trình điếm canh đê phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão, nhất là công tác tuần tra, canh gác đê khi có thiên tai xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành thống kê hiện trạng toàn bộ các điếm canh đê trên địa bàn tỉnh, để báo cáo UBND tỉnh, trình Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị bố trí vốn đầu tư cho việc sửa chữa, nâng cấp và xây mới các điếm canh đê; thực hiện sắp xếp hợp lý vị trí điếm canh đê, phá bỏ những điếm canh đê không còn phù hợp. Đề nghị UBND các huyện chỉ đạo đơn vị thi công dự án mở rộng mặt đê khẩn trương thi công hoàn trả những vị trí điếm đã bị phá dỡ để phục vụ thi công; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đê đoạn qua địa bàn, yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình đê, các vị trí điếm canh đê; đối với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu, nghiên cứu phương án dỡ bỏ các điếm canh đê không cần thiết, không phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com