Xuân Tiến phát triển đa dạng sản phẩm làng nghề

07:08, 07/08/2019

Xuân Tiến là xã có nghề chế tạo máy truyền thống nổi tiếng của huyện Xuân Trường. Sản phẩm cơ khí máy móc chế tạo ở Xuân Tiến được tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước. Ðể thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường mở cửa, làng nghề đã chủ động đổi mới cách tiếp cận thị trường, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Ðiều ấn tượng nhất của khách hàng đến với làng nghề Xuân Tiến là chỉ cần nêu loại máy kèm theo những yêu cầu về các tính năng thì sẽ có sản phẩm như ý. Từ sản phẩm cơ khí chính xác như các loại máy chế biến nông sản, máy phục vụ nông nghiệp, máy chế biến gỗ đến những sản phẩm đúc đồng truyền thống như chuông, khánh, nồi, mâm, chậu… Ngày nay, Xuân Tiến nổi tiếng với các mặt hàng cơ khí vừa và nhỏ với hàng loạt sản phẩm uy tín, gắn với tên tuổi của từng doanh nghiệp như: Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt với sản phẩm máy tuốt lúa; máy thái thuốc lá, máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Chung; Công ty Thanh Bằng với sản phẩm máy đùn gạch; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Thuận Phát, cơ sở cơ khí Hải Liên nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền sản xuất viên than sinh học… Những sản phẩm trên đều được các cơ sở, doanh nghiệp của làng nghề tự nghiên cứu sản xuất thành công theo đơn đặt hàng hoặc do thợ làng nghề nghiên cứu phân tích nhu cầu thị trường. Hiện tại, khách hàng trong và ngoài tỉnh đang bị cuốn hút bởi sản phẩm lò sấy thóc mi ni sản xuất tại làng nghề của Hợp tác xã cơ khí Xuân Tiến bởi giá thành hợp lý, chất lượng vượt trội so với sản phẩm tương tự nhập ngoại. Anh Mai Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết: sấy lúa là khâu quan trọng để hoàn tất quá trình đảm bảo chất lượng hạt thóc. Trên thị trường hiện có nhiều loại máy sấy lúa nhập khẩu nhưng giá thành cao, quy mô công suất lớn, chỉ phù hợp với những doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất. Hầu hết các hộ dân, các hợp tác xã vẫn phải phơi thóc thủ công nên gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo chất lượng thóc, nhất là khi thu hoạch lúa có mưa bão liên tục kéo dài khiến chất lượng lúa thành phẩm không đồng đều… Ðể khắc phục thực trạng đó, Hợp tác xã đã nỗ lực nghiên cứu, sản xuất lò sấy thóc mi ni, đáp ứng nhu cầu sấy các mẻ thóc với khối lượng nhỏ. Ðến nay, sau 2 năm nghiên cứu, Hợp tác xã cơ khí Xuân Tiến sản xuất thành công lò sấy thóc với đa dạng kích cỡ, giá thành hợp lý, dễ vận hành và ít tiêu hao nhiên liệu, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở chế biến, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và các hộ dân trên địa bàn. Vụ lúa xuân năm 2019, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Trần Phú, xã Nam Tiến (Nam Trực) đã đầu tư trên 120 triệu đồng để mua lò sấy thóc với công suất 5 tấn/mẻ, bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng của thành viên hợp tác xã và nông dân địa phương. Ðồng chí Vũ Quang Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc hợp tác xã cho biết: lò sấy thóc mi ni có nhiều tiện ích, phù hợp với khả năng khai thác, sử dụng của hợp tác xã; chất lượng thóc sau khi sấy đảm bảo, tỷ lệ thóc gẫy giảm nhiều. Ðặc biệt giảm nhiều công lao động so với phơi thủ công trước đây. Lò sấy thóc mi ni có kích thước nhỏ, diện tích đặt lò chỉ khoảng 2,5m2 trở lên; sử dụng đa dạng nhiên liệu là điện, than đá, củi, trấu để vận hành. Bình quân chi phí nhiên liệu cho mỗi tấn thóc khoảng 70-100 nghìn đồng nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với việc sử dụng lò sấy cỡ lớn. Thời gian mỗi mẻ sấy linh động từ 8-12 giờ tùy thuộc vào số lượng và độ ẩm của thóc. Một sản phẩm khác cũng được cải tiến hiệu quả là Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt đã nghiên cứu cải tiến thu nhỏ sản phẩm máy tuốt lúa cho phù hợp với điều kiện đồng ruộng vùng cao nên đã tăng lượng tiêu thụ ở thị trường khu vực miền núi. Sản phẩm máy ép dầu lạc của cơ sở cơ khí Hải Liên ban đầu chỉ thiết kế chức năng ép, nhưng theo nguyện vọng của khách đã nghiên cứu lắp bổ sung bộ phận lọc ly tâm để lọc bã, khép kín quy trình cho ra dầu lạc thành phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Liên tục nghiên cứu, đổi mới đáp ứng yêu cầu khách hàng nên cơ cấu sản phẩm cơ khí của làng nghề Xuân Tiến ngày càng phong phú; sản phẩm không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước lân cận. Ngoài việc cải tiến hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp làng nghề đã quan tâm tổ chức tốt khâu chăm sóc sau bán hàng, đáp ứng tối đa các yêu cầu tư vấn hướng dẫn vận hành và sửa chữa, bảo trì. Những doanh nghiệp lớn như Tân Việt, Anh Khoa, Công ty Cổ phần Cơ khí Thanh Bằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ðình Mộc… đều đặt đại lý tại các địa bàn kinh tế trọng điểm trên toàn quốc với đầy đủ lực lượng thợ kỹ thuật để phục vụ khách hàng. Nhờ đổi mới cách tiếp cận thị trường, cung cấp đa dạng sản phẩm nên sản xuất, kinh doanh của các làng nghề truyền thống ở Xuân Tiến ngày càng phát triển./.

Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com