Thực hiện tốt kế hoạch sản xuất lúa mùa từ đầu vụ

07:07, 05/07/2019

Những ngày đầu tháng 7, trên khắp các cánh đồng trong tỉnh không khí thi đua sản xuất vụ mùa khá sôi nổi, khẩn trương với quyết tâm giành kết quả cao nhất.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Xuyên (Vụ Bản) Trần Ngọc Quỳnh cho biết: Vụ này Hợp tác xã tập trung gieo cấy 100% các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao; chủ động bố trí khoảng 30% diện tích cấy trà mùa sớm để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Theo kế hoạch vụ mùa năm nay, Hợp tác xã gieo cấy trên 237ha theo cơ cấu tỷ lệ khoảng 60% diện tích cấy lúa năng suất cao với các giống chủ lực là TH3-3, Bắc ưu 903 kháng bạc lá... Để bảo đảm sản xuất theo cơ cấu và lịch thời vụ đã đề ra, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, Hợp tác xã đã chỉ đạo xã viên bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa: Tổ chức nạo vét các tuyến kênh, mương, làm thủy lợi nội đồng theo kế hoạch đảm bảo đáp ứng tốt việc tưới tiêu phục vụ sản xuất vụ mùa và phòng, chống lụt bão năm 2019. Từ giữa tháng 6, Hợp tác xã triển khai lấy nước vào đồng và huy động trên 40 phương tiện đồng loạt làm đất nên đến đầu tháng 7 đã đảm bảo 100% diện tích đủ nước và làm đất xong. Để phòng ngừa dịch hại, nhất là bệnh lùn sọc đen theo chỉ đạo của huyện và của tỉnh, Hợp tác xã khuyến cáo nông dân khi triển khai làm đất chú ý vạc bờ, thu dọn rơm, rạ, làm cỏ diệt tận gốc nguồn ổ dịch sâu bệnh; giữ nước mặt ruộng giúp gốc rạ, tàn dư thực vật phân hủy nhanh, hạn chế tồn lưu sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, Hợp tác xã đã chủ động nhập 40 tấn phân NPK để cung ứng cho người dân; hướng dẫn xã viên sử dụng phân bón hiệu quả với phương châm bón đủ, cân đối, đúng kỹ thuật và theo nhu cầu của từng giống lúa. Đặc biệt giai đoạn này chuột đang co cụm ở bờ vùng, bờ thửa, nên là thời điểm thuận lợi nhất để bà con khoanh vùng, diệt chuột đạt hiệu quả. Từ ngày 3-7, Hợp tác xã chỉ đạo bà con đồng loạt xuống đồng, tập trung cấy sớm, nhanh, gọn trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu hoàn thành cấy lúa mùa vào ngày 10-7... Ở các địa phương trong tỉnh, nông dân cũng đang khẩn trương thực hiện kế hoạch gieo cấy vụ mùa.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thành (Vụ Bản) huy động cơ giới làm đất  phục vụ gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thành (Vụ Bản) huy động cơ giới làm đất phục vụ gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay toàn tỉnh gieo cấy 75.924ha; phấn đấu năng suất bình quân đạt từ 50 tạ/ha trở lên, sản lượng thóc đạt 379.600 tấn, trong đó có trên 250 nghìn tấn lúa chất lượng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong tháng 7 và đầu tháng 8 bắt đầu triển khai cấy là thời điểm thường xuất hiện mưa lớn gây ngập úng diện rộng. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo bố trí cơ cấu giống và phương thức gieo cấy phù hợp để bảo vệ lúa mới cấy và chủ động phòng, chống úng. Theo đó, đảm bảo cơ cấu giống hợp lý với lúa lai từ 15-20% diện tích, cấy trên các chân ruộng trũng, nhiễm chua, phèn, mặn, những diện tích có nguy cơ bị ngập úng bằng các giống: TH3-3, Bắc ưu 903 kháng bạc lá, Tej vàng…; lúa thuần từ 70-75% diện tích, với các giống chịu úng, ít nhiễm rầy, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và có chất lượng cao bao gồm: BC15, TBR225, M1-NĐ, Thiên ưu 8, Nếp 97, Nàng xuân, Nếp Hưng Yên…; còn lại cấy lúa đặc sản theo vùng quy hoạch tập trung với các giống Nếp Bắc, Nếp Cái hoa vàng, Tám xoan, Dự hương. Thời điểm gieo cấy vụ mùa thời tiết hay diễn biến bất thường nên các địa phương chỉ cho gieo sạ ở những cánh đồng chủ động nước và thực hiện ở những nơi có kinh nghiệm nhằm giảm thiểu thiệt hại. UBND tỉnh yêu cầu các Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương lập và thực hiện phương án tưới tiêu, tập trung nạo vét khơi thông hệ thống kênh, mương; khẩn trương tu bổ sửa chữa máy móc, thiết bị sẵn sàng phục vụ công tác chống úng, nhất là giai đoạn lúa mới cấy. Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các đối tượng sâu bệnh tích lũy trong vụ xuân sẽ chuyển nhanh sang gây hại cây trồng vụ mùa; đặc biệt bệnh lùn sọc đen sẽ là một nguy cơ lớn đối với vụ mùa năm nay. Hiện, nguồn rầy lưng trắng tồn tại trên ký chủ phụ (lúa chét, mạ đặc sản) tương đương so với vụ mùa năm 2018, cùng với thời tiết nắng nóng gay gắt và mưa giông lớn là điều kiện thuận lợi để rầy phát triển tăng nhanh mật độ trong thời gian tới; đặc biệt, nguồn bệnh lùn sọc đen vẫn đang sẵn có trên đồng ruộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tập trung hoàn thành gieo cấy lúa mùa xong trước ngày 15-7. Trong quá trình làm đất chú ý cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi cấy để hạn chế nguồn bệnh lùn sọc đen, thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật; xuống giống, gieo mạ, cấy lúa theo đúng lịch chỉ đạo; thực hiện nghiêm việc phun tiễn chân mạ trước khi cấy từ 2-3 ngày bằng thuốc trừ rầy đặc hiệu để chống rầy xâm nhập, lây truyền bệnh lùn sọc đen cho cây mạ; đối với lúa gieo sạ phải xử lý hạt giống, phun thuốc sau khi xuống giống 15-20 ngày (khi trên ruộng có mật độ rầy và mẫu rầy phân tích có kết quả dương tính với bệnh lùn sọc đen); tổ chức thu thập mẫu rầy, mẫu lúa để giám định vi-rút lùn sọc đen theo đúng Kế hoạch số 442/KH-SNN ngày 28-5-2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tích cực diệt chuột bằng các biện pháp thủ công, sinh học là chính và diệt ốc bươu vàng, cỏ dại đồng loạt bằng nhiều hình thức...

Việc chủ động thực hiện tốt lịch gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo cơ cấu giống theo chỉ đạo của ngành chuyên môn và phòng trừ sâu bệnh theo quy trình hướng dẫn sẽ là tiền đề để sản xuất vụ mùa giành thắng lợi toàn diện về năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com