Làm giàu từ mô hình trồng hoa lan

04:06, 07/06/2019

Chàng trai Nguyễn Trí Dũng ở Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) là nạn nhân chất độc da cam, bằng sự quyết tâm và không ngừng tìm tòi, học hỏi đã vươn lên phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa lan. Không chỉ thỏa thú vui tao nhã, vườn lan của gia đình anh còn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh là tấm gương nghị lực, vượt khó cho các nạn nhân chất độc da cam trong và ngoài huyện noi theo.

Khách hàng tham quan vườn lan của gia đình anh Nguyễn Trí Dũng.
Khách hàng tham quan vườn lan của gia đình anh Nguyễn Trí Dũng.

Dáng người nhỏ bé với những bước đi khó nhọc, anh dẫn chúng tôi tham quan vườn lan rộng khoảng 500m2 với đầy đủ các chủng loại từ lan truyền thống, lan lai ghép, cho đến các giống lan biến đổi gen... Đôi tay thoăn thoắt đang chăm sóc những cây lan vừa mới ươm trồng, anh Dũng cho biết đây chính là “cây xóa nghèo” của gia đình anh. Khoát tay một vòng xung quanh khu vườn, anh cho biết, trước kia toàn bộ khu vực này là vườn hoang, để cải tạo được khu vườn này, anh đã tốn rất nhiều công sức mà nếu không có niềm đam mê với cây lan chắc khó có thể làm nổi. Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành khoa học công nghệ môi trường với tấm bằng khá, anh Dũng quyết tâm vào Nam lập nghiệp nhưng tai họa ập đến khi 2 năm sau anh bị ốm nặng. Dù được gia đình chạy chữa khắp nơi, qua kết quả thăm khám anh được phát hiện bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam từ người bố. Di chứng để lại khiến cột sống bị biến dạng từng ngày, anh không thể đứng thẳng lên được. Tưởng chừng cuộc sống của anh sẽ gắn liền với giường bệnh nhưng không cam chịu số phận, anh quyết tâm trở về quê để bắt đầu một cuộc sống mới. Anh đã đầu tư nuôi thỏ và cá song do không có kinh nghiệm vật nuôi bị dịch bệnh đã khiến anh mất trắng tất cả. Không nản chí, anh trăn trở suy nghĩ tìm hiểu và được bạn bè gợi ý về mô hình trồng lan. Nhận thấy việc trồng lan khá phù hợp với bản thân do không tốn nhiều sức lực, năm 2003, được sự động viên giúp đỡ của người thân trong gia đình, anh đã đứng ra vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với số tiền 70 triệu đồng để đầu tư trồng lan. Ngoài học hỏi kinh nghiệm trồng lan từ những hộ đã trồng lâu năm trong huyện, anh còn lặn lội đi khắp các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... để trau dồi thêm kiến thức về trồng lan. Khi đã nắm bắt được các yêu cầu, kỹ thuật, anh bắt đầu mở rộng diện tích trồng thêm nhiều các giống lan khác nhau, cả phong lan và địa lan với nhiều loại quý, hiếm. Quá trình trồng lan, anh Dũng gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên khi trồng các giò lan bị hỏng rất nhiều. Nhưng nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi nên chỉ sau hơn 2 năm, tay nghề trồng lan của anh đã vững hơn và có thể điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Cũng theo anh Dũng, những ngày mới bắt đầu trồng lan, ngoài đọc các sách hướng dẫn thì anh nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm rất nhiệt tình từ những người trong Hội lan của huyện về cách trồng, cách chăm bón. Anh Dũng cho biết: “Giống lan tuy dễ sống nhưng người trồng phải hiểu được đặc tính từng loại lan để có cách chăm sóc phù hợp, như vậy cây mới cho ra hoa đẹp và đúng thời điểm”. Đối với phong lan sau khi mua các giống lan về, anh tiến hành ghép giống vào các thân cây, đồng thời nhân giống để vừa có các chậu lan đẹp mà còn có cả cây con để bán, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đối với anh Dũng, lan là cây trồng rất “kỹ tính” nhưng cũng khá dễ nếu đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với trồng các loại lan nói chung là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng và cách phòng trừ sâu bệnh. Đối với địa lan mật độ ánh sáng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng, phát triển và ra hoa của lan. Thiếu nắng cây lan vươn cao nhưng nhỏ và ốm yếu, lá màu xanh tối, dễ bị sâu bệnh. Nếu quá nắng cây lan sẽ vàng lá và khô, dễ ra hoa sớm, cây kém phát triển. Nếu nắng gắt quá lá sẽ bị cháy, khô dần rồi chết. Cho nên khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc - Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất. Dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với địa lan. Khi cây lan đầy đủ dinh dưỡng cây sẽ tươi tốt, ra nhiều hoa to và đẹp, bền trong khi thiếu dinh dưỡng cây lan sẽ còi cọc, kém phát triển, không hoặc ít có hoa. Lan rất cần phân bón nhưng không chịu được nồng độ dinh dưỡng cao, vì vậy bón phân cho lan phải thực hiện thường xuyên và tốt nhất là bằng cách phun qua lá. Việc tưới nước cho lan phải đủ ẩm, nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh tưới buổi trưa khi trời đang nắng nóng. Sau những trận mưa bất thường, nhất là mưa đầu mùa cần tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng lại trên lá. Đối với cách phòng bệnh cho lan thì tùy theo từng loại sâu bệnh mà dùng các loại thuốc thích hợp. Ngoài ra, việc chọn giống cũng là khâu hết sức quan trọng. Anh Dũng thường mua các giống lan truyền thống ở trong tỉnh vì ít nhiều điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu có sự tương đồng, thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc. Anh còn lặn lội đi các tỉnh lân cận để tìm mua các loại giống mới về trồng và lai ghép tạo nên sự đa dạng, phong phú trong vườn. Các loại lan trong vườn nhà anh Dũng đa dạng về chủng loại như: phong lan gồm có lan đai châu, lan quế; phi điệp, trầm…; địa lan gồm có lan thanh ngọc, thanh vũ, hoàng vũ… được khách hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng. Kinh tế gia đình phát triển, anh tiếp tục đầu tư thêm nhà kính, diện tích 70m2 với vốn đầu tư trên 200 triệu đồng để trồng các loại lan biến đổi gen.

16 năm quyết tâm và cố gắng vượt qua số phận, hiện khu vườn trồng lan của gia đình anh có tổng diện tích gần 500m2 với hàng nghìn chậu địa lan khác nhau. Hiện giá bán của các loại lan cũng có các mức giá khác nhau như: lan hoàng vũ, thanh ngọc có giá bán khoảng 1 triệu đồng/thân, hoàng cẩm tú khoảng 300 nghìn đồng/cây, lan đại thanh, thiên ngọc có giá 20-25 triệu đồng/thân, lan nhập ngoại có giá hàng chục triệu đồng/chậu... Từ việc trồng lan đã mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com