Tiếp tục đẩy mạnh cho vay phát triển doanh nghiệp

07:05, 08/05/2019

Mở rộng cho vay phát triển doanh nghiệp đang là mục tiêu mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng đến và là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu kế hoạch được giao; đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Nhờ được vay vốn từ Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần May IV Nam Định đã tiếp tục đầu tư đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Nhờ được vay vốn từ Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần May IV Nam Định đã tiếp tục đầu tư đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Đến hết quý I-2019, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 56.375 tỷ đồng, tăng 392 tỷ đồng với đầu năm và tăng 8.091 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, 66% dư nợ cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn chiếm 34%. Dư nợ cho vay phân theo loại khách hàng vay có 1.604 doanh nghiệp với dư nợ 17.589 tỷ đồng, 25 hợp tác xã có dư nợ 63 tỷ đồng và 259.913 hộ gia đình, cá nhân có dư nợ 38.723 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy, hệ thống các ngân hàng đã bám sát kế hoạch, mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của các địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động cho vay phù hợp với nhu cầu. Các ngân hàng đã đẩy mạnh công tác huy động nguồn vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và nhu cầu sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản và có đủ nguồn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn; đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được Hội sở chính các tổ chức tín dụng giao đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng tín dụng của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn là cho vay doanh nghiệp theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Đình Mộc là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên của huyện Xuân Trường được vay vốn theo Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. Được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện cùng sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Trường (Agribank Xuân Trường), Công ty đã tích tụ được hơn 130ha, trong đó tại địa bàn huyện Xuân Trường là 42ha đất nông nghiệp. Sau khi quy hoạch gọn vùng, Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để kiến thiết, cải tạo đồng ruộng theo mục tiêu xây dựng cánh đồng lớn sản xuất nông sản sạch; cải tạo thủy lợi, trang bị các loại máy nông nghiệp để thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất. Hiện, mô hình cánh đồng lớn của Công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,2-4,5 triệu đồng/người/tháng... Hàng trăm doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, lũy kế đến nay toàn tỉnh đã có 319 khách hàng tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, số tiền các ngân hàng cam kết giải ngân cho các doanh nghiệp vay là 7.214 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã giải ngân là 6.584 tỷ đồng, bằng 91,3% so với số tiền cam kết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Những chi nhánh ngân hàng tích cực thực hiện chương trình này là: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định (Vietcombank Nam Định), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nam Định... Tích cực đẩy mạnh cho vay phát triển doanh nghiệp, Vietcombank Nam Định đã chủ động ưu tiên cấp vốn tín dụng cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp theo chỉ đạo của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tại Công văn số 385/NAĐ-TH ngày 9-5-2018. Theo đó từ đầu năm 2018 đến tháng 2-2019, Vietcombank Nam Định đã giải ngân các hợp đồng tín dụng thuộc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là 1.324 tỷ đồng. Nhờ đẩy mạnh tiếp cận khách hàng doanh nghiệp và triển khai thực hiện các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tiếp cận và thu hút khách hàng nên dư nợ tín dụng của Chi nhánh không ngừng tăng trưởng. Hết tháng 2-2019, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt 2.580 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Cùng với đẩy mạnh cho vay phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn luôn quan tâm bảo đảm chất lượng tín dụng, không để nợ xấu phát sinh, tiền lãi được thu róc hàng tháng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát và ngày càng nâng cao, tỷ lệ nợ xấu nằm dưới mức kế hoạch đề ra của Hội sở chính. Có được kết quả trên là do hoạt động của các ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; sự chỉ đạo và phối kết hợp của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, gồm: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh trong việc đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân nói chung và các hộ, doanh nghiệp vay vốn nói riêng. Không chỉ tăng cường đầu tư vốn, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng còn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn theo các chương trình cho vay trọng điểm, cụ thể: Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa 6%/năm. Riêng Vietcombank Nam Định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với các khoản vay của các doanh nghiệp có dư nợ tại tháng 1-2019.

Mặc dù có những kết quả tích cực nhưng tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của các ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng thấp, chiếm khoảng 31,2%, chưa tương xứng với nhu cầu vốn thực tế của các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Theo đại diện của một số ngân hàng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thiếu phương án kinh doanh khả thi; số doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được ngân hàng cho vay vốn còn rất ít. Năng lực quản lý của các chủ doanh nghiệp, trình độ của đội ngũ kế toán trong việc lập các dự án, phương án vay ngân hàng... chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt khó khăn vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo cho các khoản vay của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp cần sử dụng cả quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và quyền sở hữu tài sản trên đất để làm tài sản thế chấp tại ngân hàng đủ cho mức vay cần thiết. Tuy nhiên hiện nay việc đăng ký, xác nhận tài sản trên đất doanh nghiệp chưa thực hiện được nên thường bị “tắc” ở khâu này, hoặc chỉ được vay số vốn ít hơn (tương đương tài sản thế chấp là sổ đỏ). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng hoạt động cho vay phát triển doanh nghiệp của các ngân hàng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thời gian tới, các ngân hàng cần tiếp tục bám sát định hướng chỉ đạo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong việc tiếp cận và đẩy mạnh cho vay phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các ban, ngành hữu quan để điều tra, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, đảm bảo đúng định hướng và các quy định của pháp luật. Tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo các ngân hàng tích cực thực hiện những biện pháp để huy động các nguồn tiền gửi trong dân để đảm bảo đủ nguồn cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cần bố trí đội ngũ cán bộ tín dụng có trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt để đáp ứng tốt yêu cầu mở rộng quy mô, số lượng nguồn vốn và đối tượng cho vay./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com