Tiếp nối "cuộc cách mạng" trên những cánh đồng

08:05, 02/05/2019

Đại thắng mùa Xuân 1975 là “mốc son chói lọi” trong chiều dài lịch sử đất nước. 44 mùa xuân hòa bình, thống nhất đã đi qua nhưng âm hưởng hào hùng của một thời kháng chiến “tay cày, tay súng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” góp phần để Nam - Bắc trọn niềm vui thống nhất là niềm tự hào của cả dân tộc nói chung và ngành Nông nghiệp tỉnh ta nói riêng. Truyền thống đó đang tiếp tục được phát huy trong “cuộc cách mạng” ngay trên những cánh đồng thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ngành Nông nghiệp khảo nghiệm giống lúa LT2 kháng bạc lá tại xã Giao Yến (Giao Thủy).
Ngành Nông nghiệp khảo nghiệm giống lúa LT2 kháng bạc lá tại xã Giao Yến (Giao Thủy).

Vừa bước ra từ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược suốt 9 năm chưa lâu, đất nước lại bước vào cuộc trường chinh mới để bảo vệ thống nhất, vẹn toàn Tổ quốc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, cả nước cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Là một trong những tỉnh trọng điểm nông nghiệp của đồng bằng sông Hồng, cùng với nhân dân miền Bắc, tỉnh ta nhanh chóng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương, khắc phục hậu quả tàn phá của chiến tranh chống thực dân Pháp, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Trong gần 10 năm (1955-1964) “vừa khôi phục sản xuất, vừa tiến hành cải cách ruộng đất”, đem lại ruộng đất cho dân cày, tạo nên khí thế thi đua học tập, lao động sản xuất sôi nổi ở khắp mọi nơi, cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tỉnh đã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng tiến bộ của công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất lao động được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Trên mặt trận nông nghiệp, nhiều phong trào thi đua được phát động tổ chức ở các địa phương trong tỉnh với các khẩu hiệu hành động cụ thể là “Tranh thủ trời nắng, quyết thắng trời mưa, cấy trồng trước Tết”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Mất ải thì rải thêm phân”, “Phân ra đồng chưa đủ, ngủ chưa yên”, “Chưa cấy xong trước Tết, ăn Tết cũng không ngon”. Thanh niên, dân quân ở nhiều địa phương đã tổ chức những “đêm hoa đăng” thắp đuốc, thắp đèn đi cày, cuốc, rắc phân cho kịp thời vụ; nhiều huyện tổ chức ngày hội xuống đồng, hội thi cày, thi cấy, thi làm phân bón... để có các vụ sản xuất bội thu, đóng góp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Khi thất bại trong các chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, giặc Mỹ đã điên cuồng thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Quân và dân toàn tỉnh đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, hàng chục phong trào thi đua yêu nước được tỉnh phát động liên tục ở tất cả các cấp, các ngành. Trong nông nghiệp, các phong trào “Thâm canh thắng Mỹ ngay trên đồng ruộng”; “Kiến thiết đồng ruộng”; “Làm phân bón; chọn giống, làm mạ tốt”; “Thanh niên Nam Định tiến quân vào khoa học kỹ thuật”… đã lan tỏa ở khắp các địa phương tạo nên khí thế hừng hực trên các cánh đồng. Suốt 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), mặc cho bom đạn giặc ngày đêm tàn phá, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Nông nghiệp, người dân vẫn “chắc tay cày, vững tay súng” để giành thắng lợi trên mặt trận sản xuất lương thực, tạo nên những “cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”. Sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, tháng 3-1969, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp cùng các huyện, thành phố tập trung khôi phục sản xuất và phát triển nông nghiệp toàn diện. Ngành Nông nghiệp đã tuyên truyền, vận động các hợp tác xã trong tỉnh mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa năng suất cao NN8, NN%, 314, Mộc tuyền, Tám, Nếp…, đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các tổ, đội kỹ thuật của các hợp tác xã hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo mạ luống, cấy nông tay, thẳng hàng, cấy dày hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời… Năm 1974, tỉnh ta là tỉnh thứ 2 của miền Bắc đạt năng suất lúa trên 5 tấn/ha. Đầu năm 1975, khi chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn gay go quyết liệt, toàn tỉnh đã đóng góp nghĩa vụ 66.178 tấn lương thực, 7.065 tấn thịt lợn hơi, lại khẩn trương tổ chức đợt cung cấp giao thêm 8.600 tấn lương thực, hơn 4.000 tấn thực phẩm cho chiến trường. Có thể nói, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh nhà đã thực hiện cuộc cách mạng lớn trên những cánh đồng, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ “hậu phương lớn” chi viện cho “tiền tuyến lớn”, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy tinh thần cách mạng quả cảm ấy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta tiếp tục làm “cuộc cách mạng” tư duy sản xuất mới trên đồng ruộng, từ “dồn điền đổi thửa”, hình thành những cánh đồng lớn đến tập trung đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, kỹ thuật thâm canh… tạo đột phá trong phát triển “tam nông”. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được 151 cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích khoảng 8.000ha, trong đó có 34 cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc xây dựng cánh đồng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều giống lúa mới có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Dự hương, BC15, TBR279, CS6-NĐ, Thiên ưu 8… được đưa vào thay thế các giống lúa cũ, chuyển cơ cấu giống lúa của tỉnh từ “lượng” sang “chất”, tăng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Ngành Nông nghiệp thường xuyên tập huấn và vận động nông dân ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)… góp phần nâng cao kỹ thuật thâm canh; tiết kiệm nước, giảm phát thải bảo vệ môi trường. Mặc dù diện tích trồng lúa giảm qua mỗi năm do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác nhưng nhờ ứng dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và quản lý tốt sâu bệnh hại trên đồng ruộng nên năng suất lúa bình quân của tỉnh những năm gần đây luôn đạt xấp xỉ 12 tấn/ha/năm; tổng sản lượng đạt gần 900 nghìn tấn/năm. Nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng các cây rau màu khác có giá trị kinh tế cao hơn như: lạc, cà chua, bí xanh, ớt, cây dược liệu… với giá trị kinh tế đạt được cao gấp từ 2-10 lần so với trồng lúa, đưa bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác của tỉnh lên trên 110 triệu đồng/năm. Ở vùng đồng màu, “cuộc cách mạng” phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang được đẩy mạnh. Hàng năm các địa phương trong tỉnh thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau sạch như: Công ty VinEco, Công ty Tuệ Hương, Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh… đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn VietGAP. Tranh thủ nguồn tài trợ của JICA từ Dự án Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận Thành phố Hà Nội và Nam Định cùng chương trình hợp tác, hỗ trợ với tỉnh Miyazaki (Nhật Bản), mỗi năm, tỉnh ta thực hiện được 7-10 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và đang tiếp tục nhân ra diện rộng; đồng thời đã tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ của Nhật Bản phục vụ cho các mô hình sản xuất rau hữu cơ, an toàn…

Hơn 40 năm quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất, kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung, “cuộc cách mạng” trên những cánh đồng nói riêng, ở tỉnh ta đã có bước phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn, quan hệ sản xuất tiếp tục được đổi mới; được đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu của đồng bằng sông Hồng và cả nước. Những hạt thóc, củ khoai của nông dân “hai sương một nắng” một thời nuôi quân đánh giặc, giờ nuôi dân ấm no và từng bước làm giàu. Lúa năng suất cao, sản lượng hàng hóa lớn không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu. Dẫu còn nhiều trăn trở khi những mùa vàng, cánh đồng lớn chưa tạo được bước nhảy vọt cho tăng trưởng kinh tế địa phương song những chuyển biến trên đồng ruộng tỉnh nhà cũng là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự ổn định, phát triển mọi mặt và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của tỉnh trong những năm qua, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com