Tăng cường bảo vệ môi trường biển

05:05, 24/05/2019

Với vùng bờ biển dài 72km thuộc địa phận các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy là thế mạnh để kinh tế biển phát triển, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, môi trường biển của tỉnh đã và đang phải chịu nhiều tác động gây ô nhiễm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành nghề nuôi trồng, khai thác hải sản, đóng tàu, du lịch biển là những thế mạnh trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, song việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, bất cập, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động kể trên. Chất thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản bao gồm nguồn thức ăn dư thừa, phân, dư lượng chất kháng sinh, dược phẩm, thuốc trị liệu và kích thích tố hoà tan trong nước; các hoạt động sản xuất cơ khí và đóng tàu dọc các tuyến sông phát sinh nhiều chất thải độc hại như dầu mỡ, chất thải rắn (đặc biệt là mạt gỉ sắt), dung môi sơn, các chất thải sinh hoạt chưa được thu gom, quản lý chặt chẽ gây ô nhiễm nước biển. Hoạt động giao thông đường thuỷ gây phát sinh dầu mỡ khoáng và các loại chất thải, rác thải sinh hoạt của người lao động trên phương tiện thuỷ. Số lượng khách du lịch đến Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và các bãi tắm ngày càng gia tăng, tuy nhiên công tác xử lý chất thải rắn của địa phương chưa đáp ứng kịp thời cũng như ý thức bảo vệ môi trường của khách du lịch chưa cao cũng làm ô nhiễm cục bộ nước biển tại các khu vực này. Bên cạnh đó, các hoạt động dân sinh và việc sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp đang phát thải các chất độc hại vào tầng nước mặt theo sông đổ ra biển cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển. Do nằm ở hạ nguồn sông Hồng, là con sông lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ nên tỉnh ta phải hứng chịu nhiều nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn đổ về, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, đất và hệ sinh thái, nhất là khu vực ven bờ. Kết quả phân tích chất lượng nước biển năm 2018 theo QCVN 10-MT:2015 tại nhiều khu vực (nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch...) cho thấy hầu hết các vị trí có dấu hiệu ô nhiễm Amoni, chất rắn lơ lửng, Coliform và Phốt phát nhưng không đáng kể. Trong đó, có 3 vị trí quan trắc cho thấy mức độ ô nhiễm nước biển cao nhất là tại xóm 2 xã Giao Phong, đội 8 xã Giao Hải và khu vực cổng chính của bãi tắm Thị trấn Quất Lâm với các thông số vượt QCVN 10-MT:2015 gồm Amoni, chất rắn lơ lửng, Coliform và Phốt phát. Tại một số khu vực nuôi trồng thủy sản cho thấy chất lượng các mẫu nước biển đều có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số Amoni, chất rắn lơ lửng, Coliform và Phốt phát vượt quy chuẩn cho phép từ 1 đến dưới 6 lần. Môi trường đất ở khu vực các huyện ven biển chịu nhiều tác động tiêu cực của bão lũ và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch vì vậy đất đã bị mặn hóa, phèn hóa.

Rác thải ngập ứ trên đê biển xã Hải Triều (Hải Hậu).
Rác thải ngập ứ trên đê biển xã Hải Triều (Hải Hậu).

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng, địa phương có biển đã tăng cường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Trong đó, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, nhất là dân cư sinh sống ở khu vực ven biển. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thu gom và xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt theo quy chuẩn môi trường và đẩy mạnh thu gom rác thải nhựa trên biển; xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ biển; tổ chức quan trắc, giám sát, theo dõi ô nhiễm môi trường biển; tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện các quy hoạch có liên quan đến tài nguyên môi trường biển trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường quản lý và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy, rừng ngập mặn huyện Nghĩa Hưng; bảo vệ diện tích rừng hiện có kết hợp với phát triển trồng rừng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, đê biển và nuôi trồng thủy sản; tăng cường quản lý hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, xử lý chất thải, phế phẩm, phụ phẩm phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học, công nghệ trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản sau thu hoạch; chuyển từ nuôi trồng thủy sản theo phương thức truyền thống sang nuôi công nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; đẩy mạnh hợp tác và liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) trong phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven biển. Các ngành, địa phương còn chủ động kiểm soát, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư vào khu vực ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường biển. Trong đó, đã chủ động xây dựng quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ, các khu đô thị ven biển theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường Việt Nam. Trong quá trình xây dựng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, vấn đề giảm thiểu tác động môi trường do hoạt động của Khu công nghiệp được đặc biệt chú ý. Đối với nước thải, áp dụng mô hình xử lý tập trung; trong đó các nhà máy sẽ xử lý sơ bộ nước thải của đơn vị bằng hệ thống tại chỗ, sau đó đổ vào hệ thống xử lý chung của nhà máy xử lý nước thải lớn, công suất 110 nghìn m3/ngày đêm của Khu công nghiệp. Hệ thống ống dẫn từ các nhà máy đến khu vực xử lý tập trung được làm bằng ống gang đúc đặt nổi trên mặt đất chứ không đặt ngầm, bảo đảm công khai hoạt động xả thải và kịp thời phát hiện các vị trí thẩm lậu, rò rỉ ra môi trường. Các tiêu chuẩn xả thải của Khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tiệm cận với thông lệ ở các nước Nhật Bản, Xinh-ga-po, bảo đảm nguồn nước xả thải ra môi trường luôn đạt ở mức A. Về xử lý chất thải rắn, nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác công suất từ 20-30 tấn/ngày đêm.

Thời gian tới, các ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường biển theo quy định./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com