Khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang

05:05, 10/05/2019

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, mỗi vụ gieo cấy bình quân người nông dân bỏ hoang khoảng 200ha đất nông nghiệp; trong đó tập trung nhiều tại các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực, Mỹ Lộc. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng xác định cụ thể nguyên nhân và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực; tuy nhiên đến thời điểm này, diện tích ruộng bị bỏ hoang vẫn tiếp tục gia tăng và đang là vấn đề thu hút sự quan tâm, kiến nghị giải quyết của cử tri toàn tỉnh.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) tiêu thụ, ổn định đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên) tiêu thụ, ổn định đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng: Thu nhập từ các nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ổn định và cao hơn sản xuất nông nghiệp nên đã thu hút nhiều lao động nông thôn. Việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội dẫn đến tình trạng một số diện tích đất trồng lúa bị xen kẹt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi bị chia cắt không khai thác phục vụ tưới tiêu được, làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất công ích sau dồn điền đổi thửa của xã, thị trấn thường là những diện tích canh tác khó khăn, sản xuất không hiệu quả nên việc cho thuê khoán khó thực hiện, trong khi xã chưa có kế hoạch sử dụng. Sản xuất manh mún làm chi phí sản xuất (vật tư và nhân công) tăng cao, giá nông sản bấp bênh khiến hiệu quả sản xuất thấp; một bộ phận nông dân không thiết tha, gắn bó với đồng ruộng. Một số diện tích giáp ranh với Thành phố Nam Định, các thị trấn đã được quy hoạch thành khu, cụm công nghiệp hoặc quy hoạch đô thị và đã hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Căn cứ vào những nguyên nhân đã xác định, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân dồn đổi ruộng thành 151 vùng tập trung và nhiều ô thửa có diện tích khá lớn để mời gọi các doanh nghiệp như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty Đình Mộc, Công ty Cổ phần và Thương mại hàng hóa Xuân Trường… thuê lại được trên 800ha ruộng đất và đầu tư tổ chức sản xuất lúa giống, lúa và rau màu hàng hóa theo quy mô cánh đồng lớn. Các xã, thị trấn có diện tích ruộng bỏ hoang đã vận động nhân dân gieo cấy hết diện tích; giảm giá thuê ruộng, hỗ trợ tiền cày bừa, đầu tư nâng cấp giao thông nội đồng cho phần diện tích đất công; mời gọi cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất lúa để canh tác… Tuy nhiên, một số nơi nông dân còn có tâm lý giữ ruộng không cho thuê, mượn dẫn đến khó tích tụ diện tích lớn. Đặc biệt, đối với những vùng, xứ đồng có điều kiện canh tác khó khăn, cử tri các địa phương kiến nghị tỉnh cần có chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt theo từng vùng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của các địa phương.

Để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố khảo sát, lập phương án chuyển đổi mục đích sử dụng, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Căn cứ Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 về quản lý đất trồng lúa và khoản 11 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ đã quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, với yêu cầu không được làm mất đi các điều kiện để trồng lúa và người sử dụng đất phải đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với UBND cấp xã. Tuy nhiên, đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chờ có hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành liên quan mới tham mưu cho UBND tỉnh triển khai phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định này. Riêng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên những diện tích đất xen kẹt, trong khu, cụm công nghiệp hoặc giáp khu dân cư không đủ điều kiện tối thiểu 10ha để chuyển đổi theo quy định, tỉnh xác định đây là diện tích manh mún, nhỏ lẻ khai thác sản xuất nông nghiệp sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, sâu bệnh phá hoại. Vì vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu để có giải pháp cụ thể cho những diện tích trên. Song song với việc tập trung tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tỉnh đẩy mạnh áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục đầu tư để thu hút doanh nghiệp tích tụ đất đai và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát, áp dụng tối đa Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ, bao gồm nhiều cơ chế ưu đãi liên quan đến chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tập trung đất đai, đặc biệt là hỗ trợ một phần tiền thuê đất trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương thức tập trung đất đai thông qua thuê đất trực tiếp của người sử dụng đất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với trường hợp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để xây dựng vùng nguyên liệu; chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nghiên cứu, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường... Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề xuất các cấp, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung các chính sách quy định cụ thể nhằm thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com