Điền Xá phát triển dịch vụ làng nghề

08:05, 08/05/2019

Vừa về đích trong xây dựng nông thôn mới, xã Điền Xá (Nam Trực) lại bắt tay ngay vào xây dựng mô hình làng nghề nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển kinh tế sinh vật cảnh gắn với Du lịch sinh thái với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nét tinh hoa của làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê. Thu hút, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái làng nghề theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho xã Điền Xá phát triển mô hình dịch vụ làng nghề ở cả 7 làng nghề trên địa bàn.

Nhà vườn nông thôn mới kiểu mẫu của gia đình chị Nguyễn Thị Quy, xóm 3, thôn Vị Khê, xã Điền Xá.
Nhà vườn nông thôn mới kiểu mẫu của gia đình chị Nguyễn Thị Quy, xóm 3, thôn Vị Khê, xã Điền Xá.

Vốn có nghề trồng hoa, cây cảnh từ thế kỷ XIII (năm 1211) do một vị quan nhà Lý là Tô Trung Tự truyền dạy, người dân thôn Vị Khê đã nhanh chóng phát triển nghề, truyền nghề cho các thôn, làng trong xã và trở thành nơi lưu giữ nhiều giống hoa quý như bạch đào, phong lan, địa lan, bạch trà, hồng trà, đỗ quyên, hải đường… và thể hiện sự khéo léo tinh tế của các nghệ nhân làng nghề qua những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tạo hình các công trình kiến trúc như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh... Đến nay, Điền Xá có 7 làng nghề; trong đó, có 2 làng nghề truyền thống là làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê và làng đan mành tre Đỗ Xá. Sản phẩm của làng nghề ngoài cây cảnh, cây thế truyền thống đã mở rộng sang các loại cây trang trí như cỏ, hoa, cây lá màu và thiết kế khuôn viên nhà vườn… Thị trường cung ứng hàng hóa vì thế cũng được mở rộng không chỉ với khách hàng trong cả nước mà còn xuất bán sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, thu hút gần 4.000 hộ dân vừa tham gia phát triển làng nghề và mở rộng các dịch vụ cung ứng vật tư để trồng cấy, chăm bón, uốn tỉa cây trồng. Hàng năm, doanh thu từ các làng nghề của xã Điền Xá đạt gần 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác năm 2018 của xã đạt 170 triệu đồng, thu nhập bình quân theo đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Nhiều nhà vườn cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm như: ông Vũ Viết Hoa xóm 3 Vị Khê, ông Đỗ Viết Hùng xóm 5 Vị Khê doanh thu hàng năm từ 1 đến 2 tỷ đồng và ông Nguyễn Thanh Vân có tác phẩm cây sanh “Khuê Văn Các” được tham gia triển lãm trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao bằng chứng nhận: “Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam”. Trên nền tảng kinh tế làng nghề phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Điền Xá được thực hiện gắn với phát triển dịch vụ làng nghề. Theo đó, ngoài quy hoạch sản xuất chung, xã còn quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất theo từng loại sản phẩm để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên biệt như: vùng chuyên canh các loại hoa tại khu vực đất bãi đê hữu Hồng xóm Trần Phú; vùng trồng cây cỏ Nhật, cỏ lá tre tại khu vực Nội Vị Khê, Nội Lã Điền, đất bãi đê hữu Hồng, xóm Hoàng Thụ; vùng trồng cây trang trí khuôn viên, cây thế lâu năm, cây công trình... làm cơ sở để các hộ dân làng nghề sản xuất tập trung, vừa thuận lợi cho cung ứng hàng hóa, vừa tạo điểm nhấn trong không gian làng nghề giúp khách du lịch dễ dàng định hướng tham quan. Mỗi hộ dân trong các làng nghề tự thiết kế, quy hoạch đất vườn của gia đình mình thành một khuôn viên thu nhỏ với khu trồng các cây hoa, khu trồng cây phôi, khu trưng bày tác phẩm cây cảnh nghệ thuật… theo mô hình nhà vườn kiểu mẫu, đảm bảo cảnh quan môi trường, phù hợp với đặc thù làng nghề hoa cây cảnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng của làng nghề như cây cảnh, hoa, lá màu mi ni… để trang trí bàn nước, phòng làm việc, khung cửa sổ và các ô thoáng trong căn hộ của mình. Bên cạnh đó, xã Điền Xá xác định chọn khu vực làng nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh Vị Khê để tập trung đầu tư thành khu vực trung tâm văn hóa - du lịch - thương mại của các làng nghề; tiến hành quy hoạch chỉnh trang lại toàn bộ khu trung tâm làng nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh Vị Khê với các công trình kiến trúc liên hoàn từ đình tổ làng nghề; xây dựng, nâng cấp khu trưng bày sản phẩm làng nghề với đầy đủ các tư liệu lịch sử, công cụ lao động sản xuất của làng nghề và các sản phẩm độc đáo của làng nghề qua các thời kỳ. Tổ chức biên soạn tư liệu về lịch sử, văn hóa truyền thống làng nghề, rà soát, bổ sung hương ước cho phù hợp với điều kiện hiện tại; xây dựng website giới thiệu làng nghề; chỉnh trang các công trình cầu, cống, đường giao thông, trồng hoa dọc các tuyến đê thuộc địa phận xã, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và lập sơ đồ quy hoạch tổng thể làng nghề cùng 10 hộ tiêu biểu trong làng nghề trưng bày công khai để phục vụ du khách tham quan.

Xây dựng mô hình nhà vườn nông thôn mới kiểu mẫu giúp xã Điền Xá không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nét tinh hoa của làng nghề truyền thống mà còn hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch sinh thái làng nghề. Thành công từ mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái ở làng nghề truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá mong muốn mở rộng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái sang làng nghề đan mành tre truyền thống của thôn Đỗ Xá và các di tích lịch sử trên địa bàn. Đặc biệt, xã đang khuyến khích các hộ dân xây dựng các chương trình trải nghiệm thú vị cho du khách tham gia lao động, sản xuất cùng với người dân làng nghề; phấn đấu đưa xã Điền Xá trở thành trung tâm du lịch sinh thái làng nghề tiêu biểu của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com