Công ty Điện lực Nam Định xây dựng "Văn hóa an toàn lao động"

07:05, 22/05/2019

Công ty Điện lực Nam Định có hệ thống lưới điện gồm 2 trạm biến áp 220kV, 11 trạm biến áp 110kV, trên 2.368km đường dây trung thế, hơn 13.600km đường dây hạ thế và 3.407 trạm biến áp. Do tính chất công việc, người lao động thường xuyên phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm như: Làm việc trên cao, ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện… Xác định “Người lao động là tài sản quý giá nhất”, những năm qua Công ty Điện lực Nam Định luôn ưu tiên hàng đầu cho công tác an toàn vệ sinh lao động thông qua lễ phát động thực hiện Văn hóa an toàn lao động.

Công ty Điện lực Nam Định là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động.
Công ty Điện lực Nam Định là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động.

Đồng chí Đoàn Quốc Kiên, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Nhận thức rõ ý nghĩa phong trào xây dựng "Văn hóa an toàn lao động”, Công ty đã xây dựng Bản tiêu chí chuẩn mực chung để thống nhất thực hiện trong toàn ngành. Xây dựng, phổ biến, áp dụng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của Công ty, đưa vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO để thực hiện các chuẩn mực ứng xử, đặc biệt là trong giao tiếp với khách hàng sử dụng điện. Phát động thực thi văn hóa doanh nghiệp hàng năm theo các chủ đề. Hưởng ứng Tháng an toàn vệ sinh lao động năm 2019, Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình đẩy mạnh phong trào xây dựng "Văn hóa an toàn lao động", phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng kế hoạch và triển khai tới tất cả các đơn vị trực thuộc và 100% cán bộ, công nhân viên. Công ty và các đơn vị phát động phong trào thi đua, đảm bảo không để xảy ra tai nạn lao động, giảm bệnh nghề nghiệp, ngăn chặn triệt để các nguy cơ xảy ra sự cố gây tai nạn lao động, tổ chức chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức thăm hỏi và trao quà tặng cá nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật phòng cháy, chữa cháy, phát động cán bộ, công nhân viên luôn có ý thức nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống cháy nổ có thể xảy ra; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. In ấn 95 nghìn tờ rơi, 7.000 cẩm nang tiết kiệm điện cấp phát cho khách hàng sử dụng điện; in ấn 3.610 biển cảnh báo khoảng cách an toàn điện đối với cấp điện áp 22, 35kV và dán tại nơi có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn như khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ, các điểm tập trung đông dân cư, các cột điện trung thế gần nhà dân. Phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh) mở lớp huấn luyện kiến thức và diễn tập, thực hành kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho cán bộ, công nhân viên. Qua đó đã trau dồi kiến thức, thực hành kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn và xử lý tình huống cháy, nổ; đặc biệt cán bộ, công nhân viên đã ý thức hơn và quan tâm đúng mức tới công tác phòng cháy, chữa cháy, thấy được trách nhiệm của bản thân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Trên cơ sở chi phí an toàn Tổng Công ty giao, Công ty đã lập kế hoạch và triển khai thực hiện đầy đủ theo quy định. Trong đó chú trọng đến các trang thiết bị, dụng cụ an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân để trang cấp cho người lao động, đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện công việc trên lưới điện. Năm 2018, Công ty đã thực hiện mua sắm và trang cấp cho các đơn vị 3.120 biển báo, biển cấm; 12 nghìn biển nhận diện ĐZ 0.4kV; 250 biển tên TBA; 54 biển báo vượt đường bộ, đường sắt, đường sông; 550 cọc tiêu công trường; 110 biển báo công trường; 321 bình chữa cháy các loại; 1.395 tiêu lệnh, nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc; 25 kệ để bình chữa cháy; 110 dây lưng an toàn; 15 bút thử điện; 10 bộ tiếp địa cao thế; 1.500 găng tay sợi; 114 mặt nạ phòng độc; 110 đôi găng cách điện cao áp; 170 đôi găng cách điện hạ áp; 650 mũ bảo hộ lao động; 95 đôi guốc trèo cột ly tâm; 52 mũ thao tác tủ hạ thế; 104 thang rút cách điện; 166 đèn ắc quy; 1.900 bộ đầu chờ tiếp địa cáp VX; 1.115 bộ quần áo mưa; 5 bộ quần áo phòng cháy, chữa cháy; 2.500 bộ quần áo bảo hộ lao động, 5 máy cắt cành cây… Công ty đã cấp phát cho người lao động các trang thiết bị và quần áo bảo hộ lao động các loại với chất lượng cao, gọn nhẹ, phù hợp, phương tiện bảo vệ cá nhân bền đẹp. Trang cấp các phương tiện tiên tiến cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Ngoài ra, để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, Công ty lập danh mục các khu vực, thiết bị, công việc có mối nguy đề ra biện pháp kiểm soát, phương án khắc phục các mối nguy hiểm tiềm ẩn trên lưới điện và có biện pháp để quản lý, theo dõi phòng tránh rủi ro khi thực hiện công việc; treo biển báo tại các vị trí nhiều hơn 1 nguồn; treo biển nhận diện đường dây trung thế, hạ thế; ký quy chế phối hợp trong quản lý vận hành với các khách hàng lớn; ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện, cáp viễn thông treo trên cột điện đảm bảo nâng cao hiệu quả phòng ngừa và giải quyết các vụ cháy nổ với các nhà mạng viễn thông; chỉnh trang lưới điện, bó cáp viễn thông, xử lý các dây tạp, bùng nhùng; xử lý các thiết bị có đấu tắt, đấu chập.

Đồng chí Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: Năm 2019, Công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động phù hợp với thực tiễn và điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị; đảm bảo thực hiện 3 nhóm giải pháp về quản lý an toàn vệ sinh lao động, huấn luyện, tuyên truyền và tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lao động. Trong đó đảm bảo người lao động được trang bị các thiết bị, dụng cụ an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ đúng chủng loại theo quy định. Tuyên truyền, huấn luyện, nâng cao ý thức cho người lao động chấp hành quy trình, quy phạm và các biện pháp an toàn đề ra, không làm bừa, làm ẩu, không tự ý thực hiện công việc, nêu cao ý thức tự bảo vệ mình, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, không uống rượu bia trước và trong giờ làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo 3 hình thức: Điện thoại, qua hình ảnh và trực tiếp kiểm tra hiện trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, khuyến khích các đơn vị tự kiểm tra và tự xử lý. Đặc biệt chú trọng đến các nội dung kiểm tra cụ thể như: các biện pháp an toàn đơn vị công tác làm tại hiện trường, trang thiết bị dụng cụ an toàn tại hiện trường, phương tiện bảo vệ cá nhân như ủng cách điện, găng tay cách điện... Đối với công việc làm trực tiếp trên lưới điện hạ áp không cắt điện dụng cụ cầm tay như kìm, tua vít, cờ lê, chòng… phải có cách điện chắc chắn và đảm bảo an toàn. Triển khai tốt các biện pháp, giải pháp khắc phục tồn tại trong công tác kỹ thuật an toàn; những nguy cơ gây mất an toàn trong môi trường làm việc của người lao động; từng bước cải tạo môi trường làm việc, cơ sở hạ tầng lưới điện. Nâng cao chất lượng công tác tự nhận diện mối nguy và đánh giá nguy cơ rủi ro và biện pháp phòng tránh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com