Ý Yên phát triển toàn diện kinh tế nông thôn

08:03, 13/03/2019

Tháng 12-2018, huyện Ý Yên được UBND tỉnh ra quyết định công nhận hoàn thành các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới (NTM) với 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM; đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Sau hơn 8 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân theo đầu người của huyện đã được nâng từ 11,74 triệu đồng (năm 2010) lên 44,92 triệu đồng (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo không gồm đối tượng bảo trợ xã hội giảm xuống còn 0,99%.

Chế tác tượng gỗ tại cơ sở sản xuất của anh Vũ Văn Hoàn, xã Yên Dương.
Chế tác tượng gỗ tại cơ sở sản xuất của anh Vũ Văn Hoàn, xã Yên Dương.

Trong thời gian qua, huyện Ý Yên xác định giải pháp trọng tâm là phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Huyện đã tập trung thu hút đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng nhanh giá trị sản phẩm trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. Huyện đã quy hoạch ổn định các vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung với quy mô từ 30-100 ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hoá các khâu sản xuất. Toàn huyện hiện có 559 máy làm đất các loại, 125 máy gặt đập liên hợp, 220 máy tuốt lúa, 125 máy chế biến lương thực, đảm bảo cơ giới hoá 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch. Đến nay huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chính: vùng trồng lúa vụ xuân chất lượng cao (giống lúa Bắc thơm số 7) tại 24/32 xã, thị trấn với diện tích 7.943ha, chiếm 60,3% diện tích gieo cấy toàn huyện. Vùng trồng lúa đặc sản ở vụ mùa (giống nếp cái hoa vàng) có diện tích 903ha, tại các xã: Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng,… Vùng sản xuất cây màu ở các xã: Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Dương, Yên Thắng, Yên Lộc, Yên Phúc... với diện tích 2.944ha, chiếm 57,5% diện tích trồng màu toàn huyện. Trong trồng màu, huyện đã chỉ đạo và tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất rau màu hữu cơ, an toàn, sản phẩm đã được thị trường đón nhận tích cực. Do vậy, thu nhập từ trồng cây màu cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, bình quân đạt  84 triệu đồng/ha. Toàn huyện đã hình thành 8 cánh đồng lớn (quy mô từ 20ha trở lên), tổng diện tích 320ha. Chăn nuôi đang từng bước phát triển theo xu hướng gắn với thị trường, sản xuất thực phẩm sạch, hữu cơ, quy mô ngày càng mở rộng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác giống, sản xuất thức ăn, thú y và các phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp được đưa vào ứng dụng. Toàn huyện có 88 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô bình quân từ 150 con lợn thịt trở lên; giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2,1-2,5 tỷ đồng/trang trại; có 280 gia trại đạt giá trị trên 430 triệu đồng/gia trại/năm. Đến năm 2018, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện đạt 1.174ha, tổng sản lượng là 5.381 tấn. Toàn huyện có 6 vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích từ 10ha trở lên ở các xã: Yên Trung, Yên Thọ, Yên Khánh, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Chính, Yên Nhân. Huyện Ý Yên có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp nông thôn bởi có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã có thương hiệu như cơ khí đúc Tống Xá, chế biến gỗ mỹ nghệ La Xuyên, mây tre đan thủ công mỹ nghệ Cát Đằng... Các làng nghề đã phát triển đội ngũ doanh nghiệp khá mạnh nên huyện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng các ngành nghề truyền thống tại địa phương. Huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề, quy hoạch cụm, điểm công nghiệp tập trung để tạo mặt bằng đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm của địa phương. Nhờ đó, thời gian qua tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện với nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: dệt may, chế biến gỗ, cơ khí... được duy trì và phát triển. Ngành may công nghiệp đã thu hút được 21 doanh nghiệp đầu tư sản xuất quần áo thời trang, bảo hộ lao động; quần áo mưa, tiêu thụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trên địa bàn huyện đã phát triển một số trung tâm may công nghiệp tại các xã: Yên Trị, Yên Hồng... Xã Yên Trị hiện có 28 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 3.500 lao động của địa phương và các xã lân cận với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt may Vĩnh Oanh hiện tại đã có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng. Ngoài 2 dây chuyền sản xuất tại xã Yên Trị, Công ty đã đầu tư thêm 8 xưởng may vệ tinh ở các xã khác trong huyện, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Ba Lan, Anh. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Vĩnh Tiến sản xuất các loại sản phẩm quần âu, áo sơ mi, áo jacket, áo mưa, đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Linh, xã Yên Hồng đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 2 xưởng may công nghiệp, sản xuất các loại trang phục xuất khẩu sang Nhật Bản tạo việc làm cho 800 lao động. Huyện đã thu hút được 2 dự án FDI của Công ty trách nhiệm hữu hạn Santa Clara đầu tư tại xã Yên Bình, tạo việc làm cho 2.000 lao động và Công ty trách nhiệm hữu hạn Smart Shirts đầu tư tại xã Yên Thọ, tạo việc làm cho 500 lao động. Bên cạnh nghề may công nghiệp, các ngành nghề chủ lực khác như: cơ khí, chế biến gỗ cũng có bước phát triển mới. Làng nghề đúc đồng truyền thống tại Thị trấn Lâm đã phát triển được 48 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho trên 2.500 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề chế biến gỗ của xã Yên Ninh đã thu hút và phát triển được 32 doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh, tạo việc làm cho 645 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động của địa phương và các xã lân cận gia công sản phẩm tại nhà với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề sơn mài, mây tre đan xã Yên Tiến đã có 31 doanh nghiệp đầu sản xuất và kinh doanh; làng nghề đúc gang thép Yên Xá đã có 69 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Huyện Ý Yên phấn đấu đến năm 2020 đạt thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm; 100% số hộ dân khu vực nông thôn được dùng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo (bao gồm cả đối tượng chính sách bảo trợ xã hội) còn dưới 1%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình hợp vệ sinh môi trường đạt 100%; tỷ lệ gia đình có nhà ở đủ tiêu chuẩn theo quy định đạt 100%./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com