Kinh tế nông nghiệp 2018 - Một năm nhiều dấu ấn

07:01, 07/01/2019

Năm 2018, là năm có nhiều khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi  phát sinh phức tạp; thị trường và giá cả nông sản thiếu ổn định… Song, với những chủ trương, giải pháp chỉ đạo chính xác, kịp thời của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi.

Tham quan sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại Văn phòng hợp tác 3 bên giữa tỉnh ta với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản.
Tham quan sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại Văn phòng hợp tác 3 bên giữa tỉnh ta với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng 3,8% so với năm 2017. Dấu ấn vai trò của khoa học công nghệ trong việc gia tăng giá trị ngành trồng trọt khá rõ nét. Các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sản xuất thay đổi theo chiều sâu, căn bản từ khâu giống và áp dụng từng bước các quy trình canh tác tiên tiến. Hàng chục giống lúa có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu được trồng khảo nghiệm để đánh giá và lựa chọn bổ sung vào cơ cấu sản xuất; giống lúa chất lượng cao chiếm trên 69% diện tích với nhiều giống mới như Dự hương, BC15, TBR279. Diện tích áp dụng gieo sạ đạt 58.620ha, chiếm 39% diện tích. Toàn tỉnh có 207 cánh đồng lớn, trong đó có 34 cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị với diện tích 1.480ha. Vụ xuân 2018 được mùa đồng đều trên tất cả các giống nên năng suất bình quân đạt 69,52 tạ/ha. Trong vụ mùa 2018, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn đầu vụ, nhất là ảnh hưởng của mưa lũ và nguồn bệnh lùn sọc đen có sẵn trên đồng ruộng, song tỉnh đã chỉ đạo công tác phòng chống đồng bộ, quyết liệt từ cơ cấu giống lúa, thời vụ; công tác khắc phục thiệt hại sau mưa lũ và bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ nên cả vụ vẫn thắng lợi, năng suất bình quân đạt trên 50 tạ/ha. Chương trình phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được quan tâm với hàng chục mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của các Công ty: VinEco, Tuệ Hương, Rau quả sạch Ngọc Anh… Ở lĩnh vực chăn nuôi, từ đầu tháng 4-2018 đến nay, giá thịt lợn tăng cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định nên chăn nuôi của tỉnh từng bước phục hồi và phát triển. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt trên 152 nghìn tấn; sản lượng thịt gia cầm ước đạt trên 22 nghìn tấn và sản lượng thịt trâu, bò gần 4.000 tấn. Tuy dịch bệnh trên đàn gia cầm có xảy ra ở một số nơi, nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời phối hợp với các địa phương, chỉ đạo chính quyền các xã có dịch khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch không để dịch lây lan ra diện rộng, do đó dịch bệnh cơ bản được kiểm soát an toàn. Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông đưa nhà máy giết mổ lớn nhất khu vực miền Bắc đi vào hoạt động. Đây là cơ hội để các địa phương trong tỉnh xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Kết quả chung toàn ngành Nông nghiệp năm 2018 cho thấy sự thay đổi rõ nét về nhận thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các doanh nghiệp và người nông dân trong tỉnh. Đã có 150 cơ sở thực hiện công bố, tự công bố tiêu chuẩn chất lượng cho 250 sản phẩm; 27 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP; GMP; SSOP; VietGAP; ISO… 35 doanh nghiệp đã sử dụng tem điện tử thông minh (mã QR code) đối với trên 130 dòng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối sản xuất tại tỉnh để quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả... Tỉnh cũng đã xây dựng, phát triển được 25 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của doanh nghiệp Toản Xuân; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công Doanh… Từng bước hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh sau hơn 1 năm đi vào hoạt động đã có những bước đi cụ thể, hiệu quả. Trong tháng 11-2018, Hiệp hội đã đưa Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tỉnh vào hoạt động, trở thành cầu nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp và người sản xuất, địa chỉ tin cậy cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Văn phòng hợp tác 3 bên giữa tỉnh ta với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản đi vào hoạt động từ tháng 5-2018, là cơ quan thường trực xúc tiến, thúc đẩy việc triển khai các nội dung hợp tác đã thỏa thuận với kỳ vọng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Nông nghiệp cho tỉnh; đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Nam Định với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu, góp phần xây đắp mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bền chặt Việt Nam - Nhật Bản. Hiện tỉnh ta đang cùng với tỉnh Miyazaki tiếp tục xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết, sản xuất, chế biến tiêu thụ một số nông, thủy sản có thế mạnh của Nam Định đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y được tăng cường. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất của người dân trong tình hình mới.

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp năm 2018 của tỉnh có bước phát triển về chất ở tất cả các lĩnh vực. Trong năm 2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 2,5-3%. Để hoàn thành mục tiêu trên, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm theo lợi thế và nhu cầu thị trường. Mở rộng cơ giới hóa trong sản xuất, tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản. Chủ động phòng trừ, kiểm soát tốt dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển nông sản sạch, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu để tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp, nhất là: Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn công nghệ quốc tế của Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông, gạo sạch của Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân, gạo Nhật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com