Chủ động phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

07:01, 04/01/2019

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 28-12-2018, cả nước có 38 ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn ở các địa phương: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh và Hà Nam chưa qua 21 ngày. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng kịp thời.

Một trang trại nuôi lợn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Tân Khánh (Vụ Bản).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Một trang trại nuôi lợn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Tân Khánh (Vụ Bản).

Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh là 750 nghìn con, trong đó đàn lợn nái 125 nghìn con, đàn lợn thịt 625 nghìn con. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm hiện tại, thời tiết đang trong mùa mưa, lạnh, ẩm, có thể xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đàn vật nuôi là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển, gây bệnh. Bệnh lở mồm long móng gia súc đã xuất hiện, lây lan tại một số tỉnh, thành phố. Mặt khác, thời điểm cuối năm, cận kề Tết Nguyên đán nên các hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng mạnh. Trong khi đó ở tỉnh ta, chủ yếu mới chỉ có một số trang trại chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng trên đàn lợn nái, còn đa số với đàn lợn thịt thì không tiêm. Lý do của các hộ chăn nuôi là khi đàn lợn thịt đạt 1 tháng tuổi mới tiêm mũi thứ nhất, sau 21-28 ngày mới tiêm nhắc lại mũi thứ hai thì vắc-xin lở mồm long móng mới có tác dụng. Trong khi thời gian nuôi lợn thịt ngắn nên các hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm vắc-xin lở mồm long móng?! Vì vậy, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi và mất vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cao, đối với bệnh lở mồm long móng dự báo còn diễn biến nhiều phức tạp. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi, ngày 13-12-2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức hội thảo mời các chủ hộ chăn nuôi lớn, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố và Trưởng Thú y một số xã, thị trấn thông báo về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả châu Phi trên đàn lợn. Ngày 14-12-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 11151/SNN-CNTY về việc chủ động phòng chống rét, dịch bệnh gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2019 chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền tới nhân dân, nhất là người chăn nuôi, người làm nghề giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh lở mồm long móng. Quản lý, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật ký cam kết về việc không buôn bán, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, động vật ốm, chết. Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông sản phẩm. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi; hạn chế người lạ ra vào trang trại, gia trại. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi. Vận động các hộ chăn nuôi tiêm phòng bổ sung đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi như: tiêm vắc-xin dịch tả, lở mồm long móng tuýp O cho đàn gia súc; vắc-xin cúm gia cầm, dịch tả vịt...

Hiện nay, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả và lở mồm long móng trên đàn lợn. Đã có 20 trang trại chăn nuôi lợn được công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả và lở mồm long móng. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện dịch lở mồm long móng trên đàn lợn. Tuy nhiên, trước tình hình chung và các nguy cơ tiềm ẩn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công cán bộ xuống cơ sở đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện công tác phòng chống dịch và nắm bắt, xác minh kịp thời tình hình dịch. Nhằm ngăn chặn, không để dịch lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngành Chăn nuôi và Thú y cùng các địa phương cần phải vào cuộc tích cực, đặc biệt là huy động lực lượng trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tới tận hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi và dịch bệnh. Vận động các tổ chức đoàn thể, người dân tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra, khẩn trương dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com