Nam Trực đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp

07:12, 28/12/2018

Huyện Nam Trực có trên 10.500ha đất canh tác. Để khắc phục tình trạng xuống cấp, nâng cao hiệu quả phục vụ của hệ thống kênh mương, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các ngành và các địa phương trong huyện tích cực thực hiện chiến dịch thủy lợi nội đồng hằng năm; nạo vét, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi… 

Kiên cố hóa kênh cấp II Thứ Nhất, xã Nam Hồng.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Kiên cố hóa kênh cấp II Thứ Nhất, xã Nam Hồng.

Được Nhà nước cấp tiếp nguồn kinh phí miễn thủy lợi phí theo Nghị định 67/NĐ-CP, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh đã tập trung kinh phí để kiên cố hóa một số kênh cấp I, cấp II như: kênh CT20, kênh An Lá 11B, kênh Thứ Nhất, kênh Thứ Nhất B, kênh KT6… nhằm phục vụ sản xuất của cánh đồng mẫu lớn, chống lấn chiếm, vi phạm công trình thủy lợi, cải thiện cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kênh cấp III là tuyến kênh quan trọng trong hệ thống thủy lợi, có nhiệm vụ đón và dẫn nguồn nước từ kênh cấp I, cấp II vào tận chân ruộng. Do vậy, huyện Nam Trực xác định việc kiên cố hóa các tuyến kênh cấp III để đảm bảo nguồn nước tưới là yếu tố then chốt quyết định năng suất, chất lượng cây trồng; cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để kiên cố hóa kênh cấp III trên toàn địa bàn và được người dân đồng tình ủng hộ. UBND huyện giao cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh thiết kế công trình đảm bảo chuyển đủ lưu lượng nước, tường sử dụng gạch không nung dày 20cm, có chiều cao từ 80-100cm, rộng 60-80cm; đáy bê tông cốt thép dày 12cm. Sau khi các địa phương thực hiện xong, UBND huyện nghiệm thu kết quả và thanh toán tiền hỗ trợ 400 triệu đồng/km; trong đó huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh hỗ trợ 200 triệu đồng. Kết quả, từ năm 2013 đến nay, đã có 10 xã thực hiện kiên cố được trên 16.400m kênh cấp III. Do nằm xa nguồn nước nên ở các cánh đồng xóm 20, 24, 25, 26, 27 của xã Nam Tiến trước kia gặp rất nhiều khó khăn trong việc tưới nước, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 140-160 kg/sào. Cùng với đó, những tuyến kênh cũ bằng đất do nhân dân tự đắp không đảm bảo kỹ thuật, chỗ cao chỗ thấp dẫn đến tình trạng chân ruộng này thừa nước, chân ruộng kia thiếu nước. Vào mùa mưa bão, nhiều tuyến kênh đất bị vỡ, lún sụt gây ngập, úng cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng của địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của huyện và Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh, xã Nam Tiến đã vận động nhân dân đóng góp mỗi sào 280 nghìn đồng để kiên cố hóa 5 con kênh với tổng chiều dài 4.240m đảm bảo nguồn nước dẫn đến tận chân ruộng. Do đó, năng suất, chất lượng cây trồng ở địa phương đã tăng lên rõ rệt. Ông Phạm Văn Toán, xóm 20 cho biết: “Việc kiên cố hóa được 950m kênh cấp III ở xóm đã giúp chủ động điều tiết tưới, tiêu nước nên 3 năm qua năng suất lúa bình quân mỗi vụ của xóm luôn đạt ổn định từ 180-200 kg/sào”. Cũng như xã Nam Tiến, xã Hồng Quang tích cực vận động nhân dân đóng góp kiên cố được 5 kênh với tổng chiều dài gần 3.435m, gồm kênh cấp III gồm: kênh nổi xóm Giang và xóm Đông Chiền, kênh nổi trạm bơm đội 1, kênh nổi trạm bơm Trại Gà, kênh C2 Bái Hạ, kênh Hồng Tiến. Nhờ có kênh được xây dựng kiên cố dẫn đủ nước tưới cho các cánh đồng mà nông dân đã chủ động được nước tưới, đảm bảo gieo cấy theo đúng lịch khung thời vụ. Việc sản xuất từ chỗ phụ thuộc vào thời tiết thì nay đã chủ động trong việc thâm canh, canh tác 2 vụ lúa/năm. Cũng nhờ hệ thống kênh được cải tạo nâng cao chất lượng phục vụ, một số hộ dân có thể trồng thêm các loại cây rau màu vụ đông trên đất 2 lúa góp phần tăng thu nhập, tạo nguồn thức ăn chăn nuôi. Với những lợi thế mà hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố hóa đã tạo niềm vui, khí thế thi đua sôi nổi hăng say trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng chí Trần Văn Dân, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh cho biết: Việc đầu tư xây mới và kiên cố hóa kênh mương ở Nam Trực đã góp phần đảm bảo tưới, tiêu nước phục vụ cho sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chuyển đổi phương thức cấy lúa truyền thống sang gieo sạ. Kênh mương được kiên cố hóa còn giúp giảm chi phí nạo vét, phát dọn cỏ hằng năm; giảm công quản lý, vận hành; đặc biệt giảm thất thoát nước, tiết kiệm điện và kéo dài tuổi thọ công trình.

Đầu tư cho hệ thống thủy lợi ở Nam Trực đã phát huy hiệu quả tích cực, sản lượng lương thực hằng năm của huyện tăng cao. Bình quân năng suất lúa mỗi vụ của huyện đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt trên 105 nghìn tấn mỗi năm, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, địa hình cánh đồng ở các xã, thị trấn của huyện không đều, phân tán, đồng thấp, đồng cao đan xen… gây nhiều khó khăn cho việc triển khai xây dựng các công trình thủy lợi. Bởi vậy, huyện Nam Trực chọn hướng hoàn thiện hệ thống kênh mương theo nhiều hình thức như: tiếp tục đầu tư xây dựng mới hệ thống kênh mương nội đồng; chú trọng cải tạo, nạo vét, khơi thông hệ thống mương tiêu của từng thôn và các mương nhánh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ các công trình thủy lợi… Đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trực cho biết: Tập trung đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương nội đồng gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, khuyến khích nông dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh trên đồng ruộng là những biện pháp trọng tâm của huyện để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách bền vững trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com