Vườn quốc gia Xuân Thuỷ hỗ trợ người dân phát triển ngành nghề theo hướng bền vững

08:11, 19/11/2018

Từ sản phẩm nông sản đơn thuần, nhỏ lẻ của địa phương, với sự đồng hành hỗ trợ từ phía Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy), nấm sò và mật ong rừng sú vẹt của khu vực đã mở hướng trở thành ngành nghề chính đem lại thu nhập cao cho nhiều người dân ở các xã vùng đệm.

Sản xuất nấm sò tại gia đình ông Đinh Công Huỳnh ở xóm 19, xã Giao Thiện (Giao Thủy)  Bài và ảnh: Đức Toàn
Sản xuất nấm sò tại gia đình ông Đinh Công Huỳnh ở xóm 19, xã Giao Thiện (Giao Thủy).

Theo Ban quản lý VQG Xuân Thủy, người dân khu vực VQG Xuân Thủy có nhiều sản phẩm chất lượng cao, nhưng khi tham gia thị trường chưa đạt được giá trị tương xứng bởi sản phẩm chưa đạt được các tiêu chuẩn về quy trình, kỹ thuật sản xuất. Bởi vậy người dân chưa tự giác đóng góp vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững cho khu vực. Đồng chí Vũ Quốc Đạt, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, VQG Xuân Thủy cho biết: “Để nâng cao giá trị sản xuất cho người dân khu vực VQG Xuân Thủy, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Dự án sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), VQG đã chọn mật ong và nấm làm hai sản phẩm chính để xây dựng quy trình quản lý chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại, có 44 cơ sở, hộ gia đình ở địa phương đã tham gia sản xuất và phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đã được Bộ NN và PTNT phê duyệt. Nhờ vậy, giá trị của mật ong và nấm đã tăng 25%”. Trong quá trình thực hiện, được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, sự tích cực của người dân địa phương, VQG Xuân Thủy cũng đã xây dựng được cơ chế quản lý rõ ràng và minh bạch, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng tham gia cũng như hình ảnh của VQG Xuân Thủy. Người dân nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc bảo vệ tài nguyên VQG Xuân Thủy - Khu Ramsar quốc tế, vùng lõi số 1 của Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông Đinh Công Huỳnh ở xóm 19, xã Giao Thiện thoăn thoắt treo những bịch nilon nấm đã được ngâm ủ kỹ lưỡng lên giàn. Ông cho biết: “Mùa nấm sò năm nay, gia đình tôi dự kiến treo 2.400 bịch nấm. Tính ra, trồng nấm vừa nhàn lại cho thu nhập tốt, từ 30-40 triệu đồng/vụ, cao gấp 2 lần so với trồng lúa mà chi phí đầu tư rẻ, lại tận dụng được rơm rạ ngoài đồng sau thu hoạch”. Chất lượng và nguồn gốc rõ ràng, giá bán nấm sò đã được nâng lên từ 22 nghìn đồng lên 25 nghìn đồng/kg, nấm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ đến đó nên ai cũng hăng hái chuẩn bị cho mùa nấm sò mới. Mọi quy trình được chuyên gia của VQG Xuân Thủy trực tiếp hướng dẫn cầm tay chỉ việc nên việc sản xuất nấm sò diễn ra thuận lợi, giảm được thiệt hại do bào tử nấm chết, tỷ lệ thu hoạch gần như đạt 100%. Hiện tại, việc sản xuất nấm sò đã được nhân rộng với hơn 30 hộ tại các xã Giao Hương, Giao An, Giao Thiện thuộc vùng đệm VQG Xuân Thủy. Cùng với nấm, mật ong rừng sú vẹt cũng được nhiều người dân đón nhận, sử dụng bởi chất lượng vượt trội so với các loại mật ong khác. Từ năm 2014, cán bộ VQG đã mời chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) về hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ quản lý, chăm sóc đàn ong, cách tạo ong chúa, chia đàn, phòng trị bệnh cho ong cũng như cách xây dựng tổ ong, chế biến thức ăn bổ sung, tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm ong… để có thể khai thác tối đa nguồn hoa của địa phương và phát triển đàn ong một cách bài bản, khoa học. Đến nay, sản phẩm mật ong sú vẹt của VQG có sản lượng đều đặn 30-40 tấn/năm với 30 hộ tham gia nuôi ong. Nhiều hộ nuôi ong ngoại như các ông, bà: Phạm Văn Chinh, Nguyễn Văn Lượng, Phạm Văn Long ở xã Xuân Hòa, Trần Thị Phương ở xóm 21, xã Giao Thiện đều thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài những hộ nuôi ong “du mục” theo đàn ong tìm hoa lấy mật khắp Bắc - Nam, các hộ dân tại các xã: Giao An, Giao Lạc, Giao Thiện đều sản xuất ổn định với thu nhập thêm bình quân từ 30-40 triệu đồng/năm từ nuôi ong lấy mật. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên mật ong hoa sú vẹt được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh, được thị trường rất ưa chuộng và được bán với giá khá cao. Ông Nguyễn Tuấn Tài, Chủ nhiệm CLB nuôi ong ở xã Giao An cho biết: “Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật hơn 15 năm, nhờ sự hỗ trợ của VQG Xuân Thuỷ, nghề nuôi ong ở đây bước sang một tầm mới, quy củ và nền nếp, đồng thời giá trị mật ong được tăng cao khiến người nuôi ong yên tâm gắn bó với nghề”. Hiện gia đình ông đang sở hữu hơn 10 đàn ong tại vườn, bình quân cứ 10 ngày/lần quay mật. Mỗi năm gia đình ông sản xuất ra 150-180 lít mật ong. Mật ong được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt dưới sự giám sát của VQG Xuân Thủy luôn đảm bảo về chất lượng. Cũng nhờ có đàn ong mà từ nhiều năm nay, cây sú, vẹt thụ phấn được, sai hoa, nhiều quả, góp phần tái tạo lại giống cho vườn mà không còn phải nhập từ nơi khác đến. 

Thời gian tới, VQG Xuân Thủy tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và người dân các xã vùng đệm VQG thành lập Hiệp hội khai thác và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm của VQG Xuân Thủy. Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy các sinh kế trong khu vực phát triển bền vững, đồng thời xây dựng thêm các thương hiệu đặc sản của VQG như ngao bản địa, gạo có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, đồng hành cùng người dân xây dựng nghề trồng nấm và nuôi ong phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống nhân dân địa phương và quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khu vực./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com