Nghĩa Thắng phát triển kinh tế thủy sản

07:11, 27/11/2018

Xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) nằm ở vùng cửa sông Ninh Cơ đổ ra biển. Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên đất và lao động, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ xã khóa XXV (nhiệm kỳ 2015-2020), xã Nghĩa Thắng đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản trên các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Những năm gần đây, tổng giá trị thu nhập từ kinh tế thủy sản của xã thường đạt từ 135 tỷ đồng/năm trở lên. 

Khai thác kinh tế biển được Đảng bộ xã xác định là mũi nhọn kinh tế của xã. Đến nay, lực lượng khai thác của xã Nghĩa Thắng có gần 130 phương tiện tàu thuyền, công suất máy từ 90CV trở lên hoạt động các nghề khai thác ven bờ, thả lưới rê và đánh bắt xa bờ ở các ngư trường từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Trong đó, xã có 4 tàu cá vỏ sắt công suất máy từ 800-900CV được đóng trong các năm 2014, 2015 theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ của các ông: Phạm Văn Long, xóm 8; Đỗ Văn Hưng, xóm 8; Vũ Văn Trung, xóm 7; Trần Văn Tuyên, xóm 9. Các tàu này đã vươn đến tận các ngư trường xa như: vùng biển các tỉnh phía Nam, quần đảo Trường Sa. Phương tiện đánh bắt xa bờ thường sử dụng từ 7-10 lao động/tàu; những phương tiện gần bờ có từ 3-5 lao động/tàu; thu nhập bình quân của lao động đạt từ 9-12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nghề khai thác hải sản còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động gián tiếp; lao động thời vụ. Nhờ duy trì đội tàu khai thác hoạt động ổn định, sản lượng hải sản khai thác của xã 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 3.300 tấn. Bên cạnh đội tàu khai thác, xã Nghĩa Thắng còn có nghề đánh te riu tép với hàng trăm hộ ở xóm 7 và các xóm xung quanh làm nghề. Mùa riu tép thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, bình quân 1 lao động có thể khai thác được từ 80-100kg tép/buổi. Tép biển ngoài bán tươi còn được sơ chế bằng cách phơi nắng (mùa hè phơi khoảng 2-3 tiếng; mùa thu phơi khoảng 8-10 tiếng); cứ 10kg tươi được 3,3-3,5kg khô. Với giá bán từ 70-110 nghìn đồng/kg tép khô, sản phẩm được thương lái về tận nơi thu mua, tiêu thụ cả trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Cùng với khai thác thủy sản, ở Nghĩa Thắng đã hình thành và phát triển mạng lưới dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm khai thác với 10 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cơ sở chế biến đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trong đó, cơ sở chế biến hải sản của anh Nguyễn Văn Chiến ở xóm 10 đầu tư dây chuyền liên hoàn các công đoạn hấp, sấy, nghiền trị giá hàng tỷ đồng chuyên chế biến bột cá nhạt cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Bình quân mỗi tháng, cơ sở thu mua trên 200 tấn cá tạp các loại, tạo việc làm, thu nhập cho 10 lao động. Cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm của ông Nguyễn Vũ Cẩm ở xóm 8, mỗi năm tiêu thụ từ 50-70 tấn nguyên liệu. Ngoài việc phát triển nghề khai thác và chế biến, xã Nghĩa Thắng còn đẩy mạnh phát triển nuôi hải sản nước ngọt theo hướng công nghiệp, chuyên canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá chuối, cá sộp; tôm thẻ chân trắng… Cá chuối, cá sộp nuôi trong ao với thời gian từ 9-11 tháng; mật độ từ 1,8-2 vạn giống/sào, sản lượng bình quân đạt từ 7,5-8 tấn cá. Với giá bán từ 50-60 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các loại chi phí, mỗi sào cho thu nhập 50-70 triệu đồng/năm. Nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt đầu tư ít hơn hẳn so với nuôi nước mặn, mỗi năm nuôi được 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 90 ngày là thu hoạch với sản lượng từ 1,8-2 tạ/sào. Nếu sản xuất “thuận buồm xuôi gió” thì mỗi năm trừ hết chi phí người nuôi tôm cũng có lãi 50-70 triệu đồng/sào. Đến nay, toàn xã có hơn 60 hộ nuôi tôm theo phương thức này; trong đó một số hộ có diện tích lớn, đầu tư đồng bộ đã đạt mức thu nhập thực tế từ 70-150 triệu đồng/sào/năm như hộ các ông: Trần Văn Toàn, Đặng Văn Thi đều ở xóm 2; Bùi Ngọc Dinh, xóm 6; Trần Văn Toản, xóm 7… 

Nhờ tập trung đúng hướng khai thác thế mạnh ven biển của địa phương để phát triển đồng bộ nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, kinh tế - xã hội của xã Nghĩa Thắng tăng trưởng ổn định. Những tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo, xã Nghĩa Thắng tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ tàu tăng cường bám biển tổ chức sản xuất hiệu quả trên biển; duy trì tốt hoạt động của các cơ sở chế biến hải sản; đẩy mạnh phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt cho nông dân... Phấn đấu tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến những tháng cuối năm 2018 đạt trên 3.500 tấn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM bền vững./.

Thành Trung 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com