Xuất khẩu dệt may duy trì đà tăng trưởng

08:10, 30/10/2018

Theo báo cáo của ngành Công thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 9 tháng năm 2018 ước đạt 1.186,5 triệu USD, tăng 19,9% so cùng kỳ năm trước, đạt 84,8% kế hoạch năm. Trong đó các doanh nghiệp địa phương đạt 491,1 triệu USD, tăng 14,9%. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: hàng may mặc ước đạt 963,5 triệu USD tăng 20,7%; da giầy, vali, túi xách ước đạt 181,9 triệu USD, tăng 205%; các loại nến ước đạt 12,5 triệu USD, tăng 9,6%; hàng thủ công mỹ nghệ ước đạt 4,8 triệu USD, tăng 5%... Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP Đầu tư Hải Đường, xã Hải Hưng (Hải Hậu).
Sản xuất trang phục xuất khẩu tại Cty CP Đầu tư Hải Đường, xã Hải Hưng (Hải Hậu).

Để đạt được kết quả khả quan trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành Công thương, KH và ĐT, Cục Thuế tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước... thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, chính sách thuế, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Cùng với nỗ lực của tỉnh và các ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị, công nghệ, cơ cấu sản phẩm để ổn định thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới; chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tích cực quảng bá thương hiệu, tham gia các khoá đào tạo kỹ năng phục vụ hoạt động xuất khẩu. Đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta, ngoài các doanh nghiệp FDI (có lợi thế về tiềm lực tài chính, kỹ thuật, thị trường...) là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định; Cty CP May Sông Hồng; Cty CP Dệt may Sơn Nam; Cty CP May Nam Hà... đã có sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đó là việc chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn thu được giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, những thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã chủ động thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự. Năm 2018, Cty CP May Sông Hồng đặt mục tiêu đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 200 tỷ đồng. Cty hiện đã phát triển được 18 xưởng may trang phục xuất khẩu và 7 xưởng sản xuất chuyên biệt là: chăn, đệm, bông, in, thêu, chần bông, giặt ở Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng tạo việc làm cho trên 10.500 lao động. Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành dệt may, năm 2018 Cty đã triển khai áp dụng phương thức tổ chức sản xuất LEAN trong tất cả các nhà máy và trang bị các loại máy móc hiện đại như: máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình tự động ở các xưởng may. Năm 2018, Cty phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 300 triệu USD, là 1 trong 5 doanh nghiệp (trên tổng số 6.500 doanh nghiệp dệt may của cả nước) có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi, khăn bông xuất khẩu theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), tự tìm kiếm thị trường và xuất khẩu trực tiếp. Hiện nay, Cty CP Dệt may Sơn Nam có quan hệ với 30 Cty đối tác nước ngoài, sản phẩm của Cty có mặt ở thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc và khối EU. Cùng với các doanh nghiệp dệt may đã sản xuất ổn định, những tháng đầu năm 2018, một số dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất các ngành hàng dệt may, da giày, nhựa… đã đi vào sản xuất và xuất khẩu, đóng góp vào kim ngạch và tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Tại huyện Hải Hậu, Cty CP Đầu tư Hải Đường đã đầu tư gần 160 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Hải Hưng. Hiện tại, dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn I với 1 xưởng may 28 chuyền; hệ thống các công trình phụ trợ như nhà điều hành, nhà ăn, kho... đang tiếp tục được hoàn thiện. Xưởng sản xuất được trang bị hệ thống làm mát bằng quạt hút, cửa thông gió, 80% máy may công nghiệp được gắn mô tơ liền; máy vắt sổ có lắp đặt hệ thống hút bụi... nên nhiệt độ trong xưởng sản xuất luôn ở mức 28 độ C, đảm bảo vệ sinh công nghiệp. Hiện tại, dự án đã đi vào sản xuất các mặt hàng dệt kim xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, Hàn Quốc..., thu hút trên 400 lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản), trong tháng 10-2018, Cty CP Dệt Bảo Minh đã chính thức khánh thành dự án nhà máy dệt nhuộm liên hoàn với tổng công suất hằng năm ước tính đạt 2,5 triệu m vải, sử dụng chủ yếu sợi CM compact, CVC compact và TC compact.. Chuỗi sản phẩm của Cty tập trung vào vải dệt thoi dành cho áo sơ mi với 70% được sản xuất từ sợi đã nhuộm và 30% được sản xuất từ sợi mộc được nhuộm nguyên tấm sau khi dệt; các loại vải để thiết kế sản xuất các sản phẩm trang phục có tính ứng dụng cao với trọng lượng khá nhẹ chỉ từ 120 gsm đến 300 gsm; chi số sợi từ 30/1 đến 120/2. Nhà máy dệt sản xuất vải dệt thoi cao cấp cho áo sơ mi được Cty trang bị 144 máy Toyota T810 Airjet gồm các loại dệt đôi 6 màu 16 khung, dệt đơn 6 màu 16 khung, 6 màu 6 khung và 6 màu 4 khung. Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tư thứ 2 vào năm 2020, năng lực sản xuất của Cty dự tính đạt khoảng 600 tấn/tháng đối với nhuộm sợi và 500 nghìn m/tháng đối với nhuộm nguyên tấm. 

Với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp xuất khẩu, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của toàn tỉnh sẽ đạt vượt mức kế hoạch 1,4 tỷ USD. Dự báo năm 2019 tiếp tục là một năm nhiều thách thức song cũng đầy cơ hội cho hoạt động xuất khẩu khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại kết thúc với các kết quả khả quan, đặc biệt là việc Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực, ngành Dệt may nói chung và các doanh nghiệp dệt may tỉnh ta sẽ được hưởng lợi khi mức thuế suất được điều chỉnh từ 7-17% về 0%. Với nền tảng kết quả đã đạt được và kinh nghiệm rút ra, kết hợp sự định hướng chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các doanh nghiệp tỉnh ta có thể lạc quan về mục tiêu giữ vững mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com