Tăng cường nguồn lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

07:10, 30/10/2018

Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 - Cách mạng 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Để bắt nhịp, thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4, tỉnh ta đã rất tích cực, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, hành động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4.

Sản xuất mẫu cho khuôn đúc tự tiêu tại Cty TNHH Đúc thép Thắng Lợi (TP Nam Định).
Sản xuất mẫu cho khuôn đúc tự tiêu tại Cty TNHH Đúc thép Thắng Lợi (TP Nam Định).

I. Chuyển động từ công tác quản lý

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát lại chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, tận dụng tối đa các lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực và góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh chú trọng chỉ đạo phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích đầu tư phát triển, kinh doanh công nghệ mới; ứng dụng tiến bộ KH và CN và thông tin truyền thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... Tích cực phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị và đào tạo nhân lực quản trị mạng; ứng dụng triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 4. Đẩy mạnh đào tạo về KH và CN, kỹ thuật, toán học, ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Cải thiện môi trường kinh doanh đảm bảo cạnh tranh hợp pháp, lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Xây dựng và duy trì có hiệu lực và hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong cơ quan Nhà nước. Thời gian qua, ngoài việc tiếp tục triển khai các đề án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh với 525 doanh nghiệp có sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn được bố trí vốn cho các dự án thuộc khối KH và CN với tổng số tiền 18 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu có ý nghĩa tăng cường nguồn lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4 điển hình như: Phát triển hạ tầng khung chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020; Đầu tư xây dựng trại thực nghiệm công nghệ cao giống gia súc, gia cầm đặc sản tại xã Hải Sơn (Hải Hậu); Xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh cấp giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng; Nâng cao năng lực hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng… Đặc biệt dự án xây dựng sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định do Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN (Sở KH và CN) triển khai với tổng mức đầu tư 5,6 tỷ đồng giữ vai trò kết nối giúp doanh nghiệp tiếp cận và chia sẻ thông tin KHCN mới; gắn kết việc nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao công nghệ hỗ trợ khởi nghiệp giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lực từ các tổ chức của Chính phủ, phi Chính phủ trong và ngoài nước để đầu tư tăng năng lực mọi mặt; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường hiện đại.

II. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo cuộc CMCN lần thứ 4 có thể làm cho nhiều ngành, nghề, việc làm biến mất đồng nghĩa với nhiều lao động thất nghiệp… Với thực trạng lực lượng doanh nghiệp của tỉnh hầu hết là vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động phổ thông, thách thức này càng lớn. Luôn cập nhật thông tin dự báo tình hình nên Cty TNHH Đúc thép Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định) không ngừng nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao như vật tư thiết bị đúc cho ngành xi măng, khai khoáng, nhiệt điện, đóng tàu… Cty đã thành công trong ứng dụng công nghệ Lost foam khuôn đúc tự tiêu cho dây chuyền đúc chân không cho ra đời sản phẩm có độ chính xác cao, bề mặt đẹp, tỷ lệ hư hỏng thấp và ít tiêu hao nguyên liệu. Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Cty đã đồng thời thực hiện cải tiến thiết bị, quy trình sản xuất với đổi mới tác phong làm việc của công nhân theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Nhờ đó, thời gian qua, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng lên nhờ tiết kiệm được nguyên liệu dư thừa, năng suất lao động tăng từ 20-25%. Tháng 8-2018, Cty đã đầu tư dây chuyền đúc tự động công suất 10 nghìn tấn/năm bằng công nghệ làm khuôn cát tươi của hãng DISAMATIC (Đan Mạch), được đánh giá là tiên tiến bậc nhất hiện nay, có tổng giá trị đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Với công nghệ hiện đại này, hệ thống cho phép thực hiện đồng thời các khâu chuẩn bị hỗn hợp làm khuôn tự động, lập trình điều khiển tự động; thí nghiệm nhanh, kiểm soát chặt chẽ các thông số hỗn hợp nguyên liệu; trộn hỗn hợp cao tốc TM 190-55; nấu hợp kim đúc được trong lò điện cảm ứng; làm nguội sản phẩm và tái sinh hỗn hợp cát trong tang quay dây chuyền băng tải lạnh. Do đó, Cty đã đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu đặt hàng của các hãng sản xuất lớn trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường “khó tính” như Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản… Ở Cty CP May Nam Hà nhiều năm kiên trì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế, tạo thành nền nếp trong sản xuất. Nay Cty đã đầu tư hệ thống dây chuyền treo thông minh ứng dụng công nghệ thông tin vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc quản lý thông tin số liệu sản phẩm được lập trình mặc định cho phép giảm thiểu nhiều công đoạn sản xuất; hoàn thiện nhanh; ổn định chất lượng sản xuất và tự động kiểm soát chất lượng sản phẩm. Với dây chuyền này, mỗi tổ áp dụng thí điểm, năng suất lao động tăng từ 10-20% (tùy thuộc vào công nghệ của từng mã hàng), việc kiểm soát tiến độ, chất lượng được thể hiện ngay trên các bảng điện tử tại vị trí của mỗi công nhân; các tổ cân bằng chuyền, ngăn ngừa sai lỗi, kết thúc mã hàng chính xác, người lao động cũng nắm được tiến độ theo từng giờ để nỗ lực tăng năng suất lao động. Do đó, cả công nhân và người quản lý đều nắm rõ tình trạng lao động, năng suất, kỹ thuật và khối lượng công việc tiếp theo của mình để chủ động kế hoạch điều tiết lao động, tránh dồn ứ công việc. Hiện tại Cty đang tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất thông minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường. 

Trong xu thế CMCN 4.0, sản xuất thông minh chính là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất để tối ưu hóa các quy trình nhằm đáp ứng sự biến đổi mau lẹ của thị trường. Các nhà đầu tư phải phấn đấu phát triển độ thông minh của hệ thống quản lý và điều hành được số hóa trên 3 mức gồm: vòng đời sản phẩm; hoạt động sản xuất và tự động hóa. Trong đó quản lý vòng đời sản phẩm tích hợp thông tin trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất từ giai đoạn ý tưởng thiết kế, phát triển sản phẩm; thực hiện sản xuất cho tới giai đoạn sử dụng bao gồm các dịch vụ hỗ trợ đối với sản phẩm và máy móc, nhà xưởng. Với sự đầu tư bài bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự chủ động tiếp cận ứng phó với cuộc CMCN lần thứ 4 theo đúng năng lực và thế mạnh của mình. Tăng cường nguồn lực tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4 về cơ chế, chính sách và các chương trình hành động, cơ sở vật chất cụ thể là yêu cầu không thể thiếu để đảm bảo duy trì sản xuất và phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com