Làm giàu từ trồng đậu nành dược liệu

08:10, 01/10/2018

Giữa tiết thu, đi dọc triền đê về bãi Quỹ, xã Thành Lợi (Vụ Bản), chúng tôi được chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất bãi hoang hoá xưa. Nơi đây đang khoác trên mình chiếc áo xanh tươi của các loại rau màu, cây dược liệu, trong đó có vùng trồng đậu nành đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (Tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu).

Vùng trồng đậu nành dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại bãi Quỹ, xã Thành Lợi (Vụ Bản).
Vùng trồng đậu nành dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại bãi Quỹ, xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Năm 2011, ông Đoàn Văn Hoa, chủ vùng trồng đậu nành dược liệu ở bãi Quỹ đã khảo sát và nhận thấy vùng đất bãi này nằm biệt lập trên một bãi đất tự nhiên giữa con sông Đào, xa khu dân cư, tránh được những tác động tiêu cực của các vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh. Từ đó, ông đã thuê vài ha để trồng nhiều loại cây trồng khác nhau lại đảm bảo chất lượng và các yếu tố “xanh, sạch”. Đậu nành (đậu tương) vốn là một loại thực phẩm phổ biến được sử dụng từ hàng trăm năm qua, bởi hạt đậu nành cũng có những thành phần dược chất rất tốt cho sức khỏe. Thời gian gần đây, các loại sản phẩm chế biến từ mầm đậu nành bắt đầu được nhiều người tiêu dùng quan tâm do có tác dụng bổ sung Estrogen nguồn gốc tự nhiên giúp cân bằng nội tiết cho cơ thể. Ông Hoa cho biết: ông đã trồng đậu nành từ nhiều năm rồi nhưng 3 năm trở lại đây ông mới hợp tác với Cty CP Nam Dược trồng cây đậu nành dược liệu với quy mô 3ha. Tham gia mô hình liên kết này, ngoài việc có đầu ra ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý, gia đình ông Hoa và lao động làm việc tại vùng trồng được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và trồng cây dược liệu theo những quy trình chặt chẽ của tiêu chuẩn GACP-WHO. Đậu nành dược liệu được chăm sóc với quy trình khắt khe như: khu vực trồng cách xa khu dân cư, khu công nghiệp; môi trường đất, nước được kiểm nghiệm định kỳ, đảm bảo không bị tạp nhiễm; khu nhân giống tách riêng, tránh pha tạp, chọn hạt giống và cây trồng tốt trước khi gieo trồng… Giống đậu nành dùng để trồng dược liệu là giống DT84 không biến đổi gen, an toàn và có hàm lượng hoạt chất cao nhất trong các giống đậu nành hiện có được Viện Di truyền Nông nghiệp cung cấp. Nói về thời vụ và kỹ thuật trồng đậu nành dược liệu ông Hoa cho biết thêm: Trồng đậu nành để chế biến làm thực phẩm thông thường như làm đậu phụ thì một năm trồng 3-4 vụ. Còn trồng làm dược liệu thì chỉ được 2 vụ, đó là vụ xuân hè (từ tháng 3 đến tháng 6) và vụ thu đông (từ tháng 8 đến tháng 11), thời gian khác phải để cho đất nghỉ. Mỗi sào cần 2,5-3kg hạt giống. Trước khi gieo, mỗi sào cần bón lót 100kg phân NPK. Khi cây lên 2-3 lá nhỏ thì bón thúc 2kg phân đạm. Để chuyển hóa từ một loại cây nông nghiệp truyền thống trở thành cây dược liệu đòi hỏi những quy trình trồng trọt rất khắt khe như: không được sử dụng các loại thuốc BVTV, phải làm cỏ theo cách thủ công bằng tay. Do không sử dụng thuốc trừ sâu nên các loại sâu ăn lá cũng phát triển rất mạnh, để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho quả thì người trồng phải thường xuyên theo dõi, hái bỏ tất cả các lá bị sâu bằng tay. Dù tốn nhiều thời gian, công sức nhưng đây là cách tốt nhất để có được những hạt đậu nành đủ tiêu chuẩn dược liệu. Sau 3 tháng trồng, đậu nành cho thu hoạch, được phơi 2-3 nắng, tuốt hạt, bóc vỏ và những hạt đậu nành sẽ được ông Hoa nhập về Cty Nam Dược. Theo tính toán của ông Hoa, mỗi sào đậu nành cho thu hoạch 80-100kg hạt khô và được Cty thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg (cao gấp đôi so với giá thu mua đại trà). Sau khi trừ chi phí đầu tư về giống, phân và công thuê bắt sâu, làm cỏ, mỗi sào trồng đậu nành cho lãi từ 1,2-1,5 triệu đồng. Ngoài trồng đậu nành, vùng đất bãi còn đang được ông Hoa trồng các loại cây như: quất dược liệu, tam thất, sâm đại hành, nhãn… cho thu nhập khoảng 300-500 triệu đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí. Từ việc trồng dược liệu, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động quanh vùng với mức tiền công khoảng 100-180 nghìn đồng/ngày tuỳ theo khối lượng công việc. Cuối tháng 5-2018 vừa qua, đoàn thẩm định của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã tổ chức thẩm định và công nhận vùng trồng đậu nành ở bãi Quỹ, xã Thành Lợi là vùng trồng đậu nành đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để tỉnh, các doanh nghiệp và các hộ nông dân trong tỉnh định hướng xây dựng chuỗi các vùng trồng dược liệu sạch, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn GACP-WHO trong những năm tới.

Có thể nói, vùng trồng đậu nành dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO của gia đình ông Đoàn Văn Hoa, xã Thành Lợi đã và đang khẳng định hiệu quả kinh tế của việc liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Với sự năng động, dám nghĩ dám làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Hoa là điển hình tiêu biểu cho những gương triệu phú nông dân sản xuất giỏi. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa vùng dược liệu theo tiêu chuẩn trồng trọt và thu hái cây thuốc của WHO đang là hướng đi đúng, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu sạch, vừa đảm bảo cho việc sản xuất thuốc tốt cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời tạo sinh kế vững chắc cho nông dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com