Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm

07:10, 29/10/2018

Thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tỉnh đã lựa chọn và xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng lợi thế của địa phương như: gạo, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, ngao, tôm, cá bống bớp, cá song… Ngành NN và PTNT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình phát triển cho từng loại sản phẩm chủ lực nói trên, đặc biệt quan tâm đến xây dựng các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho sản phẩm, tạo thành vùng, liên kết vùng sản xuất tập trung.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình sản xuất lúa Nhật Bản chất lượng cao Koji tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình sản xuất lúa Nhật Bản chất lượng cao Koji tại xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng một số mô hình quản lý ATTP theo “chuỗi” từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chủ lực như: chuỗi liên kết gạo sạch Toản Xuân; nông sản sấy Minh Dương; rau, quả an toàn Ngọc Anh; thịt lợn Nghĩa Thành; trứng gà Công Phượng; cá bống bớp Nghĩa Hưng… Việc triển khai các mô hình, dự án thí điểm bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, đạt lợi nhuận cao hơn so với trước khi xây dựng chuỗi. Các cơ sở tham gia chuỗi đều áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhận thức của nông dân về ATTP trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản dần được nâng cao, các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP được tuân thủ, đã tạo ra một số liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến và kinh doanh phân phối sản phẩm. Để xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản, thúc đẩy liên kết chuỗi phát triển, trong thời gian qua, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường. Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh được thành lập đã liên kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chung mục đích sản xuất ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn để cùng nhau hợp tác, phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh. Với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, Hiệp hội đã tích cực xúc tiến thúc đẩy việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho các đơn vị, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị Big C, Fivimart, Co.opMart… Đã giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất của tỉnh tham gia các hội chợ, phiên chợ, Tuần lễ Nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt, Tuần lễ Nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Bắc Bộ… Hình thành Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh và các cửa hàng thực phẩm sạch tại các huyện, thành phố được nhiều người tiêu dùng biết đến; tăng cường mở rộng tiếp cận các thị trường ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh.

Có thể nói, việc triển khai các dự án, mô hình điểm chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, song mới chỉ là thí điểm, thử nghiệm, quy mô các chuỗi còn nhỏ, số hộ tham gia ít, sản lượng cung cấp còn hạn chế và không đều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, việc nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: rau, quả, thịt lợn, thịt gà, thủy sản còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ hạn chế nên rất khó áp dụng các quy định của thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao… dẫn đến năng suất và chất lượng còn thấp. Người sản xuất, kinh doanh còn nặng tư duy đề cao kinh nghiệm truyền thống, chưa tích cực thực hành phương thức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các đòi hỏi về lập kế hoạch sản xuất, lập “hồ sơ” theo dõi kiểm soát các quá trình liên quan trong chuỗi… Xây dựng các mô hình thí điểm theo liên kết chuỗi giá trị trong thời gian qua mới tập trung thực hiện được việc phổ biến, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến song việc kết nối công đoạn của chuỗi giữa sản xuất với thu mua, thu gom, kinh doanh gặp nhiều khó khăn hoặc có kết nối nhưng thiếu bền vững. Các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa người sản xuất và kinh doanh, do vậy khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản mới tập trung kiểm soát được ở một số khâu, công đoạn, một số loại vật tư nông nghiệp như: giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón… mà chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo yêu cầu “từ trang trại đến bàn ăn”. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới chỉ được thực hiện theo kế hoạch đối với một số cơ sở, công đoạn nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện. Hầu hết các cơ sở chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hơi do không dự đoán được nhu cầu thị trường, không kiểm soát được quy mô sản xuất cho phù hợp. Giá bán nông sản an toàn cũng như nông sản thường, vì vậy lợi nhuận của người sản xuất thấp, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ hợp tác đầu tư theo chuỗi khép kín ATTP. Các sản phẩm được sản xuất dựa trên năng lực sẵn có của nhà sản xuất là chính, có sự đầu tư tăng năng lực để đáp ứng đa dạng các yêu cầu của thị trường; công tác kết nối, xúc tiến thị trường chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất sát với yêu cầu thị trường. Việc giám sát từng công đoạn trong chuỗi, truy xuất tận gốc sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng chưa thực sự đầy đủ khiến người tiêu dùng còn phân vân khi lựa chọn sản phẩm gắn mác nông sản an toàn. Từ thực trạng nêu trên, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản, chuyển từ sản xuất, kinh doanh riêng lẻ sang mô hình có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu tạo nên chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn khép kín đảm bảo tạo ra nhiều nông sản chất lượng, an toàn để cung cấp cho xã hội một cách ổn định, bền vững. Thông qua đó, kết nối giám sát từng công đoạn trong chuỗi, truy xuất tận gốc sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Mục tiêu trước mắt của tỉnh đến 2020 là xây dựng 23 chuỗi liên kết và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó có 10 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật và nấm, 5 chuỗi có nguồn gốc động vật và trứng, 6 chuỗi có nguồn gốc thủy sản và 2 chuỗi sản xuất, chế biến muối sạch. Đến năm 2025 sẽ có 50% thực phẩm chủ lực nông, lâm, thủy sản và muối sản xuất ra được kiểm soát an toàn theo chuỗi. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, về giải pháp tổ chức thực hiện, các huyện, thành phố cần lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm chủ lực tại địa phương, bám sát quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để lập quy hoạch phát triển ngành hàng gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu hàng hóa. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, dồn đổi hình thành nên các cánh đồng lớn, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cơ sở; cơ chế giám sát cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn do chính các nhà sản xuất, kinh doanh, hội sản xuất ngành hàng thực hiện. Hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” và doanh nghiệp vệ tinh, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả. Tổ chức đánh giá, phân tích nguy cơ về ATTP trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất, từ đó đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp, đảm bảo sản phẩm an toàn. Về giải pháp chuyên môn, kỹ thuật, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đánh giá hiện trạng điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở tham gia chuỗi, chỉ ra những lỗi cần sửa chữa, bổ sung theo đúng quy định. Tập huấn, hướng dẫn, giám sát cơ sở khắc phục các tồn tại; kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP và chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ, cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới và phát triển cơ giới hóa trong sản xuất, phát triển công nghệ chế biến. Tiếp thu, chuyển giao đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất, lựa chọn giống, công nghệ thích hợp cho từng lĩnh vực, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên các chuỗi giá trị nông sản. Rà soát, đánh giá, bổ sung cơ chế, chính sách về ATTP, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com