Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp - Những nút thắt cần tháo gỡ

08:09, 24/09/2018

Ngày 17-7-2014 BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định; ngày 30-7-2014 UBND tỉnh có Quyết định số 1346/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Sau 4 năm triển khai thực hiện tuy đã thu được những kết quả tích cực song việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn.

Vùng trồng hoa tập trung tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Vùng trồng hoa tập trung tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn”; nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất... Trong đó, lĩnh vực trồng trọt được coi là bước đột phá, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng lên 71,5% diện tích, hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Đã đổi mới nhanh cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng và hiệu quả, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Từng bước thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa. Từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 1.350ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: lạc, cà chua, bí xanh, ớt, cây dược liệu… Tái cơ cấu chăn nuôi được triển khai theo hướng phát triển các trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ; hình thành các doanh nghiệp chăn nuôi áp dụng quy trình tiên tiến, hiện đại bên cạnh các trang trại chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới, lợi nhuận hằng năm bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại. Số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm xuống còn dưới 50% tổng số hộ chăn nuôi. Tái cơ cấu thủy sản được triển khai theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tập trung ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường. Đối tượng nuôi được chuyển đổi sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và có thị trường ổn định. Ở vùng mặn lợ, các loại con nuôi như tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược là những đối tượng chính trong chuyển dịch cơ cấu giống thủy sản. Ngao là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Thương hiệu “ngao Giao Thuỷ” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa…

Triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích 6.500ha nhưng mới chỉ trên 800ha là có liên kết chuỗi giá trị. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra không đồng đều tại các địa phương. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ ở trong khu dân cư vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương, nuôi trồng thủy sản (NTTS) phát triển chưa thật sự bền vững… Chưa phát triển được nhiều HTX chuyên ngành trong nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất thiếu đa dạng, chậm đổi mới. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, nên giá trị hàng hóa không cao. Chưa có nhiều mô hình liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Hiện tỉnh mới chỉ có khoảng 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị như: Mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất giống lúa lai F1 theo hướng sản xuất cánh đồng lớn của Cty TNHH Cường Tân; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu giữa Cty CP Nam Dược với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu); mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng… Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Nam Trực đã đạt được kết quả bước đầu. Điển hình là việc hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa chất lượng cao 15 nghìn ha ở 20 xã, thị trấn; vùng trồng hoa, cây cảnh tại Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Toàn, Nam Thắng, Tân Thịnh quy mô 650ha; vùng trồng màu tại Nam Giang, Nam Dương, Nam Hùng, Nam Hoa và một số xã khác; vùng nuôi cá nước ngọt ở Nghĩa An, Nam Thắng, Hồng Quang… Tuy nhiên theo đồng chí Vũ Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện, thực tế triển khai tái cơ cấu nông nghiệp của Nam Trực đến nay còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ. Chưa tạo được những thương hiệu mạnh cho các sản phảm nông nghiệp. Các quy định về quản lý thương hiệu tập thể, cá nhân và thương hiệu địa phương còn chưa được quan tâm đầy đủ. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các HTX đã được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng chưa thực sự bắt nhịp được với nền sản xuất hàng hóa và hội nhập sâu rộng. Đối với Mỹ Lộc, khó khăn trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện đang gặp phải là tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang không cấy diễn ra ở nhiều nơi như: Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Hưng… do trồng lúa không có hiệu quả. Diện tích canh tác bình quân đầu người thấp, sử dụng manh mún; nhận thức, tư tưởng của nông dân còn nhiều hạn chế ảnh hưởng lớn đến quá trình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp cộng với chi phí sản xuất cao, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập là những tác nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản thấp. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là trồng lúa còn gặp khó. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã từng bước được đầu tư nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa cũng như yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn… Những khó khăn mà huyện Nam Trực và Mỹ Lộc đang gặp phải cũng là vấn đề chung của hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân khách quan của thực trạng trên là do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn đã tác động mạnh đến quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Về chủ quan, sự chuyển biến nhận thức về tái cơ cấu ngành còn chưa theo kịp thực tiễn, lúng túng trong quá trình triển khai; nhiều nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch hành động nhưng triển khai trên thực tiễn chưa nhiều. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn hạn chế do đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, ẩn chứa nhiều rủi ro. Cơ chế chính sách và nguồn lực hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế…

Để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn hoặc các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển quy mô các chuỗi liên kết hiện có như: Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giống lúa; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa BT7; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn… Lập kế hoạch chuyển đổi cây trồng đến năm 2020 trên 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả. Tập trung phát triển các sản phẩm lúa giống, lúa đặc sản (tám, nếp), lúa chất lượng cao; khoai tây Đức, rau quả sạch, rau hữu cơ, rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho một số nông sản chủ lực của tỉnh. Nhân rộng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, kết hợp chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi sinh thái; xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch, lợn sữa, lợn choai. Hình thành các trang trại chuyên sản xuất, cung ứng con giống gia súc (lợn, bò), gia cầm chất lượng cao. Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và đảm bảo an toàn thực phẩm chăn nuôi; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi thủy sản có lợi thế so sánh của từng địa phương như: ngao, cá bống bớp, tôm… Chú trọng phát triển các mô hình nuôi an toàn, bền vững, hướng xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 67/2014/NĐ-CP, phát triển mạnh khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com