Quyết liệt phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa

08:09, 12/09/2018

Bệnh lùn sọc đen hại lúa xuất hiện lần đầu tiên tại địa bàn tỉnh ta vào vụ mùa 2009, làm mất trắng 8.100ha. 8 năm sau đến vụ mùa 2017, bệnh tái xuất hiện trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về năng suất lúa tại 4 huyện: Giao Thủy, Trực Ninh, Xuân Trường và Hải Hậu. Tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2017 của tỉnh là 23.254ha; trong đó nhiễm nặng 17.571ha, mất trắng 9.433ha, 8.138ha thiệt hại từ 30-70% năng suất. So với các loại bệnh gây hại trên lúa thì lùn sọc đen được xem là bệnh rất nguy hiểm bởi chưa có thuốc diệt trừ. Bệnh lây truyền từ cây chủ mang bệnh, thông qua môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng, nếu lúa nhiễm bệnh không được tiêu hủy triệt để, đúng kỹ thuật thì nguy cơ lây lan bệnh sang những mùa vụ sau là rất cao. Muốn hạn chế tác hại của bệnh phải thực hiện tốt việc phòng bệnh. Do vậy, ngay từ khi chuẩn bị cho vụ mùa 2018 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tình hình nhiễm bệnh lùn sọc đen tại xã Hải Quang (Hải Hậu).
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tình hình nhiễm bệnh lùn sọc đen tại xã Hải Quang (Hải Hậu).

UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) và ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 24-5-2018 về phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa 2018 với yêu cầu tổ chức sản xuất gắn với các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ. Qua vụ mùa 2017 cho thấy, nhiều hộ nông dân vẫn chủ quan, không chủ động tiêu hủy lúa nhiễm bệnh. Do đó, biện pháp hàng đầu được UBND tỉnh xác định là tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và bà con nông dân nâng cao nhận thức, nắm vững biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, quản lý giám sát bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa 2018; tổ chức ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ mùa 2018; Đoàn Thanh niên Sở tham gia tổ chức tuyên truyền lưu động về bệnh lùn sọc đen hại lúa; phối hợp với các cơ quan truyền thông và các huyện hướng dẫn, tập huấn quy trình thâm canh lúa mùa, biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen. Chi cục Trồng trọt và BVTV in và phát 20 nghìn tờ rơi hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa đến các hộ sản xuất trong tỉnh. Tiến hành thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về bệnh lùn sọc đen và cách phòng trừ tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy). Các Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố đã tổ chức 113 lớp tập huấn ở các xã, thị trấn cho 9.500 lượt nông dân. Ngay từ đầu vụ mùa 2018, huyện Vụ Bản quán triệt quan điểm “không cấy giống BT7, hạn chế tối đa diện tích gieo sạ”, trong chỉ đạo thực hiện cơ cấu giống, phương thức và thời vụ gieo cấy đảm bảo chủ động ứng phó với thiên tai, bệnh lùn sọc đen và bệnh bạc lá lúa. Huyện thống nhất chỉ đạo nông dân phun thuốc trừ rầy tiễn chân mạ trước khi cấy cho 100% diện tích mạ đã gieo bằng các loại thuốc nhóm nội hấp; phun trừ rầy cả các diện tích ruộng bỏ hoang. Tại huyện Giao Thủy theo kết quả kiểm tra trên đồng ruộng, bệnh lùn sọc đen xuất hiện rải rác trên các giống lúa tạp giao, nếp và BT7. Trong khi đó, rầy lưng trắng đang phát sinh với mật độ trung bình 200-300 con/m2, cá biệt trên 1.000 con/m2 tập trung ở những diện tích cấy trước ngày 15-7. Là huyện từng bị thiệt hại nặng bởi bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2017 nên Giao Thủy đã chỉ đạo các địa phương phát động bà con nông dân tập trung phun trừ sâu bệnh từ ngày 28-8 đến ngày 5-9, đặc biệt coi trọng trừ rầy lưng trắng để hạn chế bệnh lùn sọc đen lây lan; đồng thời hướng dẫn bà con nhận biết và xử lý bệnh lùn sọc đen. Cũng như Vụ Bản và Giao Thủy, các huyện, thành phố thời gian qua đã chú trọng chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen. Toàn tỉnh đã xử lý hạt giống cho 24.925ha lúa cấy và lúa sạ, đạt 32,6% diện tích gieo cấy; Phun thuốc trừ rầy tiễn chân mạ cho 6.065ha (đạt 100% diện tích mạ) và 2.338ha lúa gieo sạ (đạt 11% diện tích). Nhiều địa phương đã hỗ trợ thuốc xử lý hạt giống và thuốc trừ rầy cho nông dân phun tiễn chân mạ; xử lý thuốc trừ rầy và làm vệ sinh đồng ruộng cho hơn 230ha ruộng bỏ hoang. Sau đợt mưa úng đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xử lý hạt giống khi ngâm ủ bổ sung, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nông dân chưa thực hiện. Từ đầu tháng 8-2018, bệnh lùn sọc đen đã phát sinh do nguồn bệnh rất sẵn có trên đồng ruộng chưa được xử lý triệt để. Thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 7-8-2018 của UBND tỉnh, Công điện số 02/CĐ-SNNPTNT ngày 14-8-2018 của Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã tổ chức phun trừ rầy lứa 4 cho 65,5 nghìn ha lúa (đạt 86% diện tích), trừ lần 2 được 15 nghìn ha (đạt 19,7% diện tích). Phun trừ triệt để rầy lứa 5 cho 61.763ha, trong đó trừ lần 2 là 8.520ha. Tuy nhiên do trong thời gian phun thuốc có nhiều ngày mưa nên hiệu quả phòng trừ rầy lứa 4, lứa 5 không cao; một số nơi nông dân còn chủ quan do mật độ rầy thấp.

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết:  Kết quả xét nghiệm vi-rút từ ngày 1 đến ngày 31-8 có 7/47 mẫu rầy dương tính (chiếm 14,89%); 15/31 mẫu lúa dương tính với vi-rút lùn sọc đen (chiếm 43,38%). Hiện nay, toàn tỉnh đã có 193ha lúa mùa xuất hiện bệnh lùn sọc đen rải rác tại các địa bàn: Lộc Hòa (TP Nam Định); Đại An, Liên Bảo, Liên Minh (Vụ Bản); Nghĩa Thái, Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); Việt Hùng (Trực Ninh); Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Phong (Xuân Trường); Hải Trung (Hải Hậu); Hoành Sơn, Giao Hà (Giao Thủy)… Tỷ lệ bệnh nơi cao 3-5% là Hải Đông, Hải Quang (Hải Hậu). Nông dân trong tỉnh đã thực hiện xử lý nhổ vùi cây bệnh được 121ha. Tuy ở thời điểm hiện tại, mức độ phát sinh gây hại của bệnh lùn sọc đen thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, song trong thời gian tới, bệnh sẽ có xu hướng tăng nhanh và thể hiện rõ trên đồng ruộng. Hiện UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen, như tổ chức phun trừ triệt để rầy lưng trắng lứa 5. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện “4 đúng” trong phòng trừ sâu bệnh; tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, nhổ vùi ngay những cây lúa có biểu hiện nhiễm bệnh lùn sọc đen để hạn chế lây lan. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường vật tư nông nghiệp; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Triệu chứng bệnh lùn sọc đen từ giai đoạn làm đòng đến khi trỗ bông là khi lúa có lóng, cây bị bệnh đẻ các nhánh phụ trên đốt thân và ra nhiều rễ bất định, lá đòng xoắn. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp màu trắng dày hơn chạy dọc theo lóng thân, khi lá lúa già, các u sáp chuyển sang màu đen, khóm lúa bị bệnh rễ đen, bộ rễ kém phát triển. Cây bị bệnh nặng trỗ bông không thoát, hạt thường bị đen lép hoặc không trỗ thoát. Khi phát hiện thấy cây lúa nhiễm bệnh, các hộ nông dân cần nhổ, vùi cây bệnh để diệt nguồn bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe đồng thời phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán nguồn bệnh, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com