Tạo bước đột phá cho ngành trồng trọt

08:08, 27/08/2018

Ngành trồng trọt có vị trí đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, lĩnh vực trồng trọt luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đầu tư phát triển. Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan song tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt chưa cao. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đột phá, thúc đẩy ngành trồng trọt tăng trưởng và phát triển.

Nông dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) gieo cấy lúa mùa 2018.
Nông dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) gieo cấy lúa mùa 2018.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt của tỉnh được thực hiện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung bằng các mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó đã thay đổi căn bản từ khâu giống và áp dụng từng bước các quy trình canh tác tiên tiến. Sở NN và PTNT đã khảo nghiệm, đánh giá và lựa chọn bổ sung vào cơ cấu sản xuất hàng chục giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ lúa chất lượng cao từ 60% diện tích (năm 2015) hiện tăng lên trên 71% diện tích, các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng trong vụ mùa được thay thế một phần bằng các giống kháng sâu bệnh; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với trước đây. Ngành trồng trọt đã đổi mới nhanh cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng và hiệu quả, phục vụ chế biến và xuất khẩu; từng bước chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa. Trong khoảng chục năm trở lại đây, toàn tỉnh chuyển đổi được trên 6.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: lạc, cà chua, bí xanh, ớt, cây dược liệu… Hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi phổ biến cao gấp 2-10 lần so với trồng lúa. Chương trình phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu được quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, hằng năm tỉnh thực hiện được hàng chục mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay có Cty VinEco, Cty Tuệ Hương, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh… đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn VietGAP. Tranh thủ nguồn tài trợ của JICA từ Dự án Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận Thành phố Hà Nội và Nam Định; cùng với sự hỗ trợ của tỉnh I-ba-ra-ki, Mi-y-a-gia-ki (Nhật Bản), mỗi năm, tỉnh thực hiện được 7-10 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và đang tiếp tục nhân ra diện rộng. Đồng thời đã tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ Nhật Bản, ứng dụng phân hữu cơ cho các mô hình sản xuất rau an toàn.

Đánh giá của Sở NN và PTNT cho thấy, chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực trong nội ngành Nông nghiệp tỉnh theo đúng định hướng đề ra là: giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản. Năm 2017, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 71,63%, giảm 13,89% so với năm 2008 (trong đó: trồng trọt chiếm 49,31%, giảm 12,45%; chăn nuôi 41,26%, tăng 6,44%); thủy sản chiếm 28,18%, tăng 14,16% so với năm 2008. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt chưa cao. Nguyên nhân là do thiên tai, dịch bệnh và diện tích, sản lượng của nhiều loại cây trồng giảm. Thậm chí năm 2017 giá trị sản xuất của lĩnh vực trồng trọt giảm 9,46%. Mặc dù vụ lúa xuân được mùa với năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 69,4 tạ/ha, sản lượng trên 517 nghìn tấn, song đến vụ mùa, bệnh lùn sọc đen và bệnh bạc lá gây hại trên nhiều diện tích lúa, cùng với mưa lũ khiến năng suất lúa bình quân cả năm của tỉnh giảm xuống còn 36,14 tạ/ha, sản lượng lúa giảm tới 30,5% (so với năm 2016), còn trên 277 nghìn tấn. Giá trị sản xuất của lĩnh vực trồng trọt giảm đã kéo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn ngành năm 2017 giảm 1,1% so với năm 2016. Trong khi đó, vụ đông luôn được xác định là vụ sản xuất mang lại thu nhập cao cho nông dân thì từ năm 2014 đến nay diện tích gieo trồng cũng giảm dần qua từng năm. Trước đây, có những năm diện tích gieo trồng rau màu của tỉnh lên tới trên 17 nghìn ha thì đến năm 2017, diện tích cây vụ đông của tỉnh chỉ còn trên 11,5 nghìn ha. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng diện tích sản xuất vụ đông giảm rõ rệt so với mọi năm. Tại một số xã của các huyện: Vụ Bản, Nam Trực diện tích vụ đông giảm do thiếu hụt lao động khi nhiều người dân chuyển sang làm việc khác có thu nhập cao hơn. Nguyên nhân do những năm qua vụ đông ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, ngày càng khắc nghiệt với cây trồng. Một bộ phận người dân không gắn bó với đồng ruộng, do vậy việc duy trì, mở rộng diện tích cây vụ đông gặp nhiều khó khăn. Các vùng sản xuất vụ đông mặc dù đã được quy hoạch nhưng không được gieo trồng tập trung nên việc tạo nguồn nước tưới cho cây trồng gặp khó khăn, giảm năng suất cây trồng và hiệu quả sản xuất. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất vụ đông hàng hóa ở một số nơi chưa thực hiện tốt; một số mô hình còn triển khai tùy tiện, không đúng kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.

Ngành trồng trọt có tầm đặc biệt quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực, hỗ trợ phát triển cho các ngành kinh tế khác. Chính vì vậy, đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành trồng trọt không chỉ hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn có vai trò lớn hơn là thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để có những giải pháp mang tính đột phá, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện định hướng phát triển trồng trọt gắn với đẩy mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến; khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành nhiều cánh đồng lớn hoặc các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bằng việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Phát triển quy mô các chuỗi liên kết hiện có: Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giống lúa; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa BT7; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn. Đến năm 2020 dự kiến chuyển đổi 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Tập trung phát triển các sản phẩm lúa giống, lúa đặc sản (tám, nếp), lúa chất lượng cao (lúa BT7, lúa Japonica); khoai tây Đức, rau quả sạch, rau hữu cơ, rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cho một số nông sản chủ lực của tỉnh để thuận lợi cho tiêu thụ./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com