Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống phòng cháy và chữa cháy trong các công trình

07:08, 14/08/2018

Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy, nổ làm 5 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 7 tỷ đồng. Trong đó có 9 vụ cháy nhà dân; 6 vụ cháy ở các cơ sở sản xuất; 4 vụ cháy ở chợ và cửa hàng kinh doanh; 3 vụ cháy dây dẫn trên cột điện; 2 vụ cháy nhà hàng; các vụ còn lại xảy ra tại bãi phế liệu, trạm biến áp, công trình thờ tự, phương tiện giao thông, công trình xây dựng. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hầu hết hệ thống thiết bị PCCC của các công trình bị cháy nổ đều đã cũ, hỏng. Chủ đầu tư quản lý công trình ít quan tâm, thiếu trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC, bình cứu hoả, đường thoát hiểm theo quy định. Các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế thiếu kinh nghiệm và cả tiết kiệm chi phí nên ít chú trọng bảo đảm đủ các quy chuẩn trong thiết kế hệ thống PCCC, thoát hiểm của công trình xây dựng. Thậm chí để đối phó với ngành chức năng, nhiều chủ công trình chỉ đầu tư các thiết bị PCCC rẻ tiền, vận hành được vào thời điểm nghiệm thu, bàn giao nhưng sau một thời gian khi gặp sự cố sử dụng đến thì đã hư hỏng. Công tác tổ chức diễn tập PCCC tại các công trình chưa được thực hiện thường xuyên, đặc biệt đối với các công trình dân dụng, cơ quan trụ sở Nhà nước. Nhiều công trình chuyển đổi, bổ sung công năng sử dụng chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC nhưng chưa được giám sát, quản lý. Bên cạnh sự thiếu ý thức, trốn tránh trách nhiệm của chủ đầu tư, việc để xảy ra cháy nổ tại các công trình xây dựng còn có một phần nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước trong đầu tư, vận hành hệ thống PCCC từ khâu thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công, giám sát đến lúc hoàn thành nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng tại tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Các công trình tập trung đông người và nhiều hàng hóa phải đảm bảo xây dựng tốt hệ thống phòng cháy chữa cháy. (Trong ảnh: Siêu thị Lan Chi Mart tại xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy).
Các công trình tập trung đông người và nhiều hàng hóa phải đảm bảo xây dựng tốt hệ thống phòng cháy chữa cháy. (Trong ảnh: Siêu thị Lan Chi Mart tại xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy).

Mới đây, Sở Xây dựng đã phối hợp với Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp quản lý đầu tư xây dựng và PCCC đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo nội dung đã được ký kết, hai ngành sẽ tập trung phối hợp trao đổi thông tin và siết chặt quản lý trong các khâu thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và công tác quản lý, thẩm duyệt PCCC; phối hợp kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng và nghiệm thu hệ thống thiết bị PCCC; phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng, PCCC theo đúng quy định của Luật PCCC và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ. Hai cơ quan phối hợp đồng thời nhiệm vụ cho ý kiến về giải pháp PCCC với thẩm định dự án hoặc thiết kế cơ sở; thẩm duyệt thiết kế về PCCC thực hiện đồng thời với thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công. Đặc biệt thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Công an tỉnh tập trung rà soát, đánh giá lại hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, lối thoát nạn, tình trạng hoạt động của hệ thống, phương tiện PCCC và hệ thống kỹ thuật khác có liên quan đã được trang bị, lắp đặt tại các công trình. Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng các công trình trang bị hệ thống, phương tiện PCCC và hệ thống kỹ thuật có liên quan bảo đảm mọi quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hiện hành. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng các công trình thực hiện nghiêm quy định thẩm duyệt thiết kế về PCCC khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư; 100% các dự án công trình nhà cao tầng mới phải thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi cấp phép xây dựng, thi công công trình theo đúng quy định. Hai ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định của pháp luật PCCC trong quá trình xây dựng cũng như sau khi đưa công trình vào sử dụng. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, giải quyết triệt để những vi phạm về PCCC; phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Thông qua việc kiểm tra, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức và công dân, từ đó có ý thức, trách nhiệm nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC. Nâng cao năng lực PCCC tại chỗ, đặc biệt là năng lực về quản lý, vận hành hệ thống PCCC của chủ đầu tư, chủ quản lý và vận hành khai thác công trình. Việc chủ động nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong thi công và vận hành sử dụng hệ thống PCCC tại công trình xây dựng của các chủ đầu tư là điều kiện tiên quyết nâng cao hiệu quả công tác PCCC./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com