Quan tâm phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản

07:08, 28/08/2018

Với diện tích bờ biển trải dài suốt 72km cùng hàng nghìn ha đất ngập nước ven biển, bãi triều cửa sông; đội tàu thuyền khai thác có 2.127 tàu cá với tổng công suất trên 257.600CV tạo việc làm cho khoảng 5.740 lao động trực tiếp, những năm qua, nhờ định hướng chỉ đạo phù hợp, kinh tế thủy sản tỉnh ta đã tăng trưởng liên tục; sản lượng khai thác, nuôi trồng không ngừng tăng. Đó là những tiềm năng, lợi thế để tỉnh ta phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thủy sản. 

Đóng gói sản phẩm nước mắm Ninh Cơ tại Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Đóng gói sản phẩm nước mắm Ninh Cơ tại Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).


Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống trong đó có công nghiệp chế biến thủy sản là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ta. Cùng với đội tàu khai thác, toàn tỉnh hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất nằm rải rác trong các làng nghề, các địa phương thuộc ngành công nghiệp chế biến thủy sản với đa dạng các sản phẩm như: sứa ăn liền, tôm, cá khô; nước mắm, mắm tôm, ngao... Trong đó sản phẩm nước mắm là 1 trong 30 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh ta. Theo báo cáo của ngành Công thương, năm 2017 toàn tỉnh đã sản xuất được 9 triệu 551 nghìn lít nước mắm các loại, tăng 7,6% so với năm trước. Để đạt được kết quả trên, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương và của tỉnh, các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy đã xác định phát triển kinh tế biển trên cả 3 lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác và chế biến là một trong những hướng đột phá để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ chủ trương đó, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các huyện đã chủ động định hướng, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập nước; sản lượng thủy, hải sản khai thác hằng năm từ 40 nghìn tấn tạo lợi thế về nguồn nguyên liệu để huyện Giao Thủy đẩy mạnh phát triển nghề chế biến hải sản. Những sản phẩm chủ yếu nước mắm, mắm tôm, tôm - cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền được sản xuất tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện với các quy mô doanh nghiệp, tổ hợp và hộ gia đình. Một số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến hải sản của huyện đã đăng ký bản quyền thương hiệu như: nước mắm Giao Châu, các sản phẩm của Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương… Làng nghề sản xuất nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu có 75 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở có mức đầu tư vốn khá cho sản xuất hằng năm từ 100-150 triệu đồng, cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 800 nghìn đến 1 triệu lít nước mắm mỗi năm. Cty TNHH Hải sản Hùng Vương đạt sản lượng chế biến khoảng 100 tấn sản phẩm/năm, doanh thu đạt từ 5 đến 7 tỷ đồng/năm, sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng và đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP của cơ quan có thẩm quyền. Để có được kết quả đó, Cty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng lắp đặt trạm biến áp công suất 250kVA, 3 lò sấy điện công suất 100 kg cá/mẻ, 1 kho lạnh công suất 100 tấn nguyên liệu tại xã Giao Hải để sản xuất chế biến các sản phẩm từ sứa, cá mai… cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hằng năm, Cty sản xuất từ 20-22 tấn cá mai khô, chế biến khoảng 1.000 tấn sứa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Tại huyện Nghĩa Hưng nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh ở các xã ven biển, như: Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình, Thị trấn Rạng Đông… Làng Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải có 10 cơ sở sản xuất các sản phẩm nước mắm, mắm tôm được Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thuỷ sản (Sở NN và PTNT) cấp giấy chứng nhận sản phẩm bảo đảm ATVSTP. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã tiêu thụ khoảng 2.000 tấn nguyên liệu, sản xuất hàng trăm tấn mắm tôm, gần 1.000 lít nước mắm. Với gần 130 phương tiện tàu thuyền, công suất máy từ 15-320CV thường xuyên bám biển khai thác, mỗi năm, sản lượng thủy, hải sản khai thác tự nhiên của xã Nghĩa Thắng thường đạt khoảng 2.500 tấn. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định nên xã đã phát triển được 10 cơ sở chuyên sản xuất các loại nước mắm, mắm tôm, chế biến cá khô và bột cá nhạt để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tại huyện Hải Hậu, công nghiệp chế biến hải sản phát triển mạnh ở các xã, thị trấn: Hải Lý, Hải Chính, Thịnh Long. Hiện nay, trên địa bàn Thị trấn Thịnh Long đã có 6 Cty chế biến thủy sản và 5 cơ sở làm nước mắm, mắm tôm. Nằm gần cảng cá Ninh Cơ, nên Cty CP Chế biến hải sản Nam Định luôn luôn đảm bảo được nguồn nguyên liệu thu mua về số lượng và chất lượng. Tôm, cá được lựa chọn cẩn thận, còn tươi sống; riêng sứa, Cty ký kết hợp đồng với người dân để thu mua theo mùa vụ. Với hệ thống bể chứa chượp có tổng khối lượng khoảng 3.000 tấn, mỗi năm Cty ký kết hợp đồng tiêu thụ với khoảng 400 tàu khai thác trong và ngoài tỉnh để đảm bảo sản lượng cá biển thu mua khoảng 1.500 tấn, 4.000 tấn sứa biển, 150 tấn tôm, tép. Trung bình mỗi năm Cty sản xuất và tiêu thụ khoảng 700 nghìn lít nước mắm có độ đạm từ 15-34, 30-40 tấn mắm tôm và 100-500 tấn sứa thành phẩm. Cty đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 công nhân với mức lương 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. Từ cuối năm 2017, ngành công nghiệp chế biến hải sản tỉnh ta có nhà đầu tư nước ngoài là do Cty Thủy sản Lenger Việt Nam (KCN Hòa Xá) giúp đưa sản phẩm ngao - một đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào thị trường châu Âu. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp chế biến thủy sản tỉnh ta vẫn chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng, lợi thế, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn ít, yếu về chất lượng, công nghệ nên sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao... Để ngành công nghiệp chế biến thủy sản phát triển bền vững, tương xứng tiềm năng ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quản lý, đổi mới công nghệ thiết bị để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài để mở rộng thị trường. Chú trọng đảm bảo ATVSTP trong sản xuất và tiêu thụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com