Tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

08:07, 04/07/2018

Khoáng sản thuộc diện cần bảo vệ của tỉnh ta khá đa dạng như than á bitum, đất sét, cát sông, cát biển, đá... Thời gian qua tình trạng khai thác trái phép cát diễn biến khá phức tạp, đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có kế hoạch biện pháp quản lý, bảo vệ các khoáng sản chưa khai thác. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh), bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn do khu vực có thể bị khai thác khoáng sản trái phép thường nằm ở ranh giới của các địa phương (nội tỉnh, liên tỉnh), giao thông phức tạp... rất khó bị phát hiện, truy quét. Ngoài ra, công nghệ khai thác các đối tượng sử dụng không phức tạp, phương tiện linh hoạt, có thể di chuyển nhanh chóng từ địa phương này tới địa phương khác, chỉ cần có “báo động” là các đối tượng tắt máy, neo thuyền “nằm im”. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, để kéo dài, tạo điểm nóng. Cá biệt, năm 2017, trên địa bàn tỉnh ta đã để xảy ra nhiều vi phạm, bất cập trong quản lý khai thác cát tại các mỏ cát cửa sông Hồng (Giao Thủy) và trên tuyến sông Ninh Cơ (Trực Ninh). 

Khai thác cát tại địa phận sông Đào (TP Nam Định).
Khai thác cát tại địa phận sông Đào (TP Nam Định).

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép như: cắm mốc, lắp biển báo khu vực được khai thác và cấm khai thác trên các tuyến sông; xây dựng kế hoạch tự kiểm tra và tăng cường kiểm tra liên ngành, xử lý chủ phương tiện khai thác tài nguyên trái phép; kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền; thông báo địa chỉ thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tổ chức, cá nhân biết, phản ánh thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng ít tài nguyên trong sản xuất gạch, hỗ trợ các dự án sản xuất gạch không nung... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN và MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 8-9-2017 về tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát năm 2017. Đến nay, đã trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá tại 6 mỏ cát ven biển huyện Giao Thủy và cấp phép khai thác tại mỏ cát ven biển Nghĩa Hưng. Sở cũng tăng cường giám sát việc khai thác các mỏ cát đã được cấp phép đảm bảo đơn vị khai thác thực hiện đúng dự án, thiết kế mỏ đã được phê duyệt. Hướng dẫn các doanh nghiệp sau khi trúng đấu giá quyền khai thác cát lập và trình duyệt đề án cải tạo phục hồi môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường để thẩm định trước khi cấp phép khai thác nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các công trình phụ cận và sinh thái môi trường. UBND các huyện chủ động rà soát lại hiện trạng quản lý và xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa bàn. Trên cơ sở kế hoạch của các huyện, Sở TN và MT đã tổng hợp và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Theo đó, UBND tỉnh xác định các loại khoáng sản cần bảo vệ trên địa bàn tỉnh bao gồm: than á bitum (thuộc nhóm khoáng sản dự trữ quốc gia) phân bố trên địa bàn các huyện Giao Thủy, Xuân Trường; đá Felspat, Puzơlan nằm ở hai khu vực có địa hình đồi núi sót như núi Ngăm (Vụ Bản) và núi Phương Nhi (Ý Yên); đất sét sản xuất gạch, ngói nung nằm chủ yếu ở khu vực đất bãi bồi ven sông, thuộc các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực; cát sông, ven biển phân bổ không đồng đều trên 4 tuyến sông lớn (Hồng, Ninh Cơ, Đáy, Đào) và 2 cửa sông (cửa Ba Lạt sông Hồng, cửa Đáy sông Đáy). Khoáng sản chưa khai thác trong phương án bảo vệ của tỉnh gồm: khoáng sản trong và ngoài khu vực đã được cấp giấy phép khai thác; khoáng sản trong khu vực cấm khai thác; khoáng sản khác được phát hiện trong ranh giới khu vực đã được cấp phép khai thác nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác hoặc khoáng sản đi kèm đã được cơ quan thẩm quyền cho phép thu hồi nhưng chưa thu hồi được; khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng, trừ trường hợp khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân; khoáng sản tại khu vực đã được quy hoạch xây dựng công trình, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa. Cụ thể, khu vực mỏ đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh hiện tại có 12 mỏ cát sông, 2 mỏ cát cửa sông Hồng và sông Đáy, mỏ cát ở 2 khu vực ven biển huyện Giao Thủy, huyện Nghĩa Hưng với tổng diện tích 6.000,73ha, trong đó khu vực ven biển là 5.582ha. Có 7 khu vực cấm khai thác, trong đó diện tích cấm khai thác là 258,95ha, chiều dài vùng cấm khai thác là 81,99km thuộc địa phận các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định.

Để thực hiện tốt nhất phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phải tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền. Trong đó, UBND cấp huyện phải xây dựng và tổ chức thực hiện việc giao khu vực bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; đồng thời phải chịu trách nhiệm trong việc triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. UBND cấp xã phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn, xóm, vận động nhân dân địa phương không thu mua, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện, tố giác các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND tỉnh và kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương. Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để khẩn trương chỉ đạo công tác xử lý. Báo cáo kịp thời với UBND tỉnh khi chính quyền địa phương giáp ranh không quan tâm phối hợp hoặc phối hợp không chặt chẽ, thường xuyên trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để tái diễn kéo dài. Trường hợp phát hiện có cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com