Phát triển kinh tế nông thôn ở Hải Long

08:07, 02/07/2018

Nhờ tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển đa dạng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân xã Hải Long (Hải Hậu) đã từng bước được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu kinh tế của xã có chuyển biến tích cực; trong đó tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản chỉ chiếm 25-26%; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm gần 75%.

Là điểm trũng nhất của huyện Hải Hậu nên những năm trước đây canh tác nông nghiệp truyền thống của Hải Long gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình xây dựng NTM bền vững, phát triển, xã đã tập trung quy hoạch và chuyển đổi trên 44ha diện tích chân ruộng trũng tại các xóm 15, 16, 17 sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, cho các hộ nông dân trong xã đấu thầu chăn nuôi; nuôi thủy sản. Cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể xã Hải Long nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm giàu bền vững. Mạng lưới điện của xã được xây dựng hoàn thiện, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mà còn đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất. Hạ tầng giao thông như đường, cầu cũng được tu sửa, làm mới theo các tiêu chí NTM và thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, sản phẩm. Đến nay, 27km hệ thống đường giao thông liên thôn và các đường nhánh của xã được trải nhựa hoặc đổ bê tông; 20 tuyến đường nội đồng trục chính tổng chiều dài 8,1km cũng được nhân dân hiến đất, góp tiền, góp công đắp nền, mở rộng và bê tông hóa 100%, bảo đảm máy nông nghiệp đi lại thuận tiện. Xã còn tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính để khuyến khích các hộ, cơ sở phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức thường xuyên cho hàng trăm lượt lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí. Nhờ các biện pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và các loại máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh tế của xã Hải Long đã có sự chuyển dịch tích cực. Song song với việc nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây, con truyền thống: lúa, lợn, gà, cá truyền thống, nông dân Hải Long còn đưa vào sản xuất nhiều cây trồng, con nuôi mới như: dưa lê siêu ngọt, dưa hấu, hoa hòe, thanh long, vịt trời, chạch đồng, cua đồng… cho giá trị sản xuất cao gấp 3-5 lần cấy lúa trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Ngoài sản xuất nông nghiệp, thủy sản, trên địa bàn xã đã hình thành và phát triển được 1 làng nghề mộc mỹ nghệ (đã được UBND huyện ra quyết định công nhận năm 2015). Nằm liền kề các xã có nghề mộc truyền thống nổi tiếng như: Hải Minh, Hải Trung, Hải Phương, khoảng chục năm trở lại đây, ở xóm 7, Nam Thịnh đã phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ. Toàn xóm có 151 hộ thì có gần 60 hộ tham gia sản xuất với khoảng 300 lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Sản phẩm của làng nghề không chỉ tăng mạnh về số lượng, chất lượng mà chủng loại cũng đa dạng hơn như: đồ gia dụng (bàn, ghế, giường, tủ); đồ thờ (cửa võng, hoành phi, câu đối, cuốn thư, ngai, khám…) đến các loại đồ giả cổ (sập, tủ, kệ…) và các loại tranh gỗ nghệ thuật. Làng nghề cũng có sự phân công chuyên môn hóa cao. Theo ước tính của UBND xã Hải Long, mức thu nhập thực tế bình quân của làng nghề mộc Nam Thịnh khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài làng nghề mộc, trên địa bàn xã còn có Cty CP 27-7 Hải Hậu sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động. Cty hiện có 2 chi nhánh hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 3 xí nghiệp và 1 trung tâm dạy nghề dành cho thương binh, người khuyết tật, sản xuất, kinh doanh đa lĩnh vực như: chế biến nông sản, lâm sản, vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách theo tuyến cố định Bắc - Nam, vật liệu xây dựng và xây dựng các công trình công nghiệp.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Hải Long tiếp tục vận động nhân dân mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, trong đó chú trọng tập trung phát triển cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành - đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần xây dựng NTM bền vững./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com