Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

08:07, 20/07/2018

Để giải quyết tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn, tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường quản lý và chú trọng di dời trước những cơ sở, doanh nghiệp thuộc các nhóm nghề không nằm trong danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển, chưa có biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) vào các CCN.

Ô nhiễm môi trường không khí do các cơ sở sản xuất cơ khí nằm lẫn trong khu dân cư tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực) gây ra.
Ô nhiễm môi trường không khí do các cơ sở sản xuất cơ khí nằm lẫn trong khu dân cư tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực) gây ra.

Để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm xen kẽ trong khu dân cư, hai ngành TN và MT và Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bên ngoài khu, CCN hoạt động kinh doanh hóa chất về điều kiện kinh doanh, trang thiết bị, kho bãi... Trong quá trình kiểm tra, rà soát kết hợp phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến công tác BVMT, yêu cầu các cơ sở đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng dân cư khu vực lân cận. Sở TN và MT đã có Công văn số 1684/STNMT-CCMT ngày 3-7-2017 yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc diện bắt buộc thực hiện lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động và thường xuyên, liên tục truyền dữ liệu về Sở TN và MT để theo dõi. Sở TN và MT chỉ đạo cán bộ quản lý môi trường cấp huyện tham mưu cho UBND cấp huyện đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa hoàn thành thủ tục về môi trường phải tiến hành lập thủ tục BVMT, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Công tác di dời những cơ sở, doanh nghiệp thuộc các nhóm nghề không nằm trong danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển, chưa có biện pháp BVMT vào các CCN đã được các địa phương nỗ lực thực hiện. Trong đó, bên cạnh việc yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các huyện đều chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng, xây dựng mới các CCN, tạo khu sản xuất tập trung, đầu tư đồng bộ các công trình BVMT theo quy định. Huyện Xuân Trường đang tiến hành lập thủ tục dự án mở rộng CCN Xuân Tiến tăng thêm 9,16ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề cơ khí Xuân Tiến ra CCN nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Huyện cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bổ sung điều chỉnh xây dựng mới 2 CCN Nam Điền và Thượng - Thành; dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 để từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, khu dân cư; điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng khu sản xuất, kinh doanh tập trung tại xã Xuân Phương đáp ứng yêu cầu chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề xã Xuân Phương ra. Tại huyện Hải Hậu, tháng 10-2017, sau khi xuất hiện tình trạng các cơ sở tái chế nhôm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Hải Vân, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất tái chế nhôm tại xã. Qua kiểm tra, đoàn đã yêu cầu các cơ sở có biện pháp giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường và giao UBND xã Hải Vân kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Sau đó UBND huyện Hải Hậu tiếp tục kiểm tra các cơ sở cố tình vi phạm theo đơn thư phản ánh của công dân, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các cơ sở sản xuất phải lắp đặt hệ thống xử lý chất thải; đối với cơ sở không thực hiện, UBND huyện kiên quyết đình chỉ hoạt động theo quy định. Huyện Hải Hậu đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt quy hoạch CCN làng nghề tập trung với diện tích 17ha để di dời các cơ sở tái chế nhôm ra vùng sản xuất tập trung. Tại Thành phố Nam Định, nhờ tích cực đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm, đến nay đã di chuyển được 2 cơ sở sản xuất có kho chứa hóa chất ra khỏi khu dân cư; đồng thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý, xây dựng, cập nhật, lưu giữ các tài liệu kỹ thuật, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, gồm: Cty TNHH một thành viên Thương mại và Hóa chất Anh Quân chuyển kho hóa chất ra CCN An Xá (TP Nam Định), Cty TNHH Thương mại Hùng Tuyết chuyển kho hóa chất ra KCN Hòa Xá. Bên cạnh đó, Thành phố Nam Định đã tuyên truyền, vận động HTX Cơ khí, hóa chất và dịch vụ thương mại Toàn Thắng tạm dừng các hoạt động kinh doanh hóa chất...

Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng trên thực tế thanh tra, kiểm tra, ngành TN và MT nhận thấy: Nguồn lực đầu tư cho hạ tầng BVMT rất thấp so với thực tế phát triển sản xuất. Nhận thức, ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác BVMT, xem BVMT thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Vì vậy, đa số các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư chưa quan tâm đến việc giảm thiểu, xử lý chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất; chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định; chưa thực hiện chế độ báo cáo về công tác BVMT. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về BVMT chưa được quan tâm thường xuyên và thiếu quyết liệt trong xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn giúp các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm rõ quy định tại Điều 49 của Luật BVMT năm 2014, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử lý theo các hình thức: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp BVMT cần thiết; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường; buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về BVMT trong quá trình sản xuất của các cơ sở kinh tế, hộ gia đình nhằm bảo đảm việc chấp hành tốt các quy định về BVMT trong phát triển kinh tế. Các địa phương phải chủ động nâng cao trách nhiệm thu hút đầu tư hạ tầng CCN, nỗ lực thực hiện việc di dời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất ra ngoài khu dân cư./. 

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com