Hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân ở Giao Châu

08:07, 16/07/2018

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) xã Giao Châu (Giao Thủy) đã giúp hàng trăm lượt hộ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, duy trì phát triển làng nghề truyền thống, từng bước nâng cao đời sống nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi cảu Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình ông Trần Minh Sơ, xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu đầu tư sản xuất nước mắm truyền thống Sa Châu.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình ông Trần Minh Sơ, xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu đầu tư sản xuất nước mắm truyền thống Sa Châu.

Với mục đích hỗ trợ các hộ nông dân duy trì và phát triển nghề truyền thống, những năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh chỉ đạo HND các địa phương duy trì và tăng trưởng Quỹ HTND. Đối với những địa phương có làng nghề truyền thống yêu cầu lập kế hoạch, xây dựng đề án, phương án, từ đó HND tỉnh căn cứ để thực hiện việc cho vay vốn ủy thác từ Quỹ HTND Trung ương. HND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn vốn Quỹ HTND và chương trình cho vay theo hình thức ủy thác của các ngân hàng. Định hướng, chỉ đạo thành lập các tổ, nhóm nông dân, lựa chọn đầu tư những mô hình bảo đảm an toàn vốn cho vay theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và có khả năng nhân rộng mô hình. Bám sát chỉ đạo đó, HND xã Giao Châu đã thành lập dự án “sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” và đã được HND tỉnh giải ngân cho vay 700 triệu đồng, tạo điều kiện cho 14 hộ vay, trung bình mỗi hộ được vay 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,7%/tháng, thời gian vay trong 2 năm. Riêng nguồn Quỹ HTND của xã có 60 triệu đồng đã cho 6 hộ vay. HND xã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch vận động, phối hợp với các ngành liên quan để bổ sung Quỹ HTND từ nguồn ngân sách địa phương, triển khai đến các chi HND vận động cán bộ, hội viên tham gia đóng góp. Quỹ HTND được cho vay theo phương án sản xuất, kinh doanh nhóm hộ ở cơ sở, mỗi chu kỳ cho vay 2-3 năm/mô hình dự án. Qua đó, hằng năm, Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất mắm chắt, mắm tôm của gia đình ông Trần Minh Sơ, ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu. Từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, ông đã có thêm vốn để đầu tư sản xuất, duy trì phát triển nghề sản xuất nước mắm Sa Châu truyền thống. Ông Sơ chia sẻ: Dù nguồn vốn không lớn nhưng Quỹ đã giúp gia đình tôi có thêm động lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Được biết, gia đình ông là một trong hơn 100 hộ của xóm Mỹ Bình chuyên sản xuất nước mắm Sa Châu. Có thời điểm, do ảnh hưởng của thị trường, những hộ sản xuất nước mắm Sa Châu nói riêng và các hộ sản xuất nước mắm truyền thống nói chung có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề. Nhưng với tâm huyết và nghị lực, các hộ nông dân vẫn kiên trì bám trụ sản xuất, duy trì nghề truyền thống. Bước chân vào cổng làng, chúng tôi đã cảm nhận mùi thơm của nước mắm dậy lên thơm phức. Đi từ đầu làng, đâu đâu cũng bắt gặp quang cảnh nhà nào nhà nấy chum vại, ang chậu, thống, bể phơi khắp trong sân ngoài vườn… Hiện tại, Sa Châu còn hơn 100 hộ làm nghề, sản lượng trung bình 450-500 nghìn lít/năm. Nước mắm Sa Châu được bán rộng rãi trong tỉnh và khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam. Chia sẻ về nghề, ông Sơ bộc bạch, làm mắm quan trọng nhất là nguồn nguyên liệu. Đó phải là cá nhỏ, tép moi tươi nguyên, chứ không dùng loại cá ướp đá dập nát. Phải lựa thời điểm cá béo nhất mà chế biến như cá cơm vào mùa đông, cá nục vào mùa xuân. Không chọn lứa cá mới đẻ vì mắm làm sẽ đắng. Gánh đội cá về bằng các dụng cụ từ tre, không dùng thùng tôn, thùng nhựa tránh cho cá bị nhiễm mùi và mất vệ sinh. Loại muối ướp cá phải để lưu kho trên một năm cho hả bớt vị chát. Cứ một tấn cá ướp với 1,5 tạ muối, để cá chín ngấu tự nhiên, sáu tháng đến một năm sau mới cho qua rổ tre lót vải xô, vắt ra nước mắm nguyên chất. Mắm này không nấu qua lửa mà được dàn đều ra các ang mỏng chừng một gang tay, ngày hong nắng, tối phơi sương thêm sáu tháng nữa. Mắm kỵ nhất nước mưa, hễ gặp nước mưa là hỏng nên người làm mắm phải canh ngày canh đêm ròng rã trong suốt sáu tháng trời. Kết thúc giai đoạn phơi nắng, tiếp tục cho mắm vào chum màu đen, chôn ủ trong lòng đất tối thiểu một năm để mắm hội đủ hương vị của đất trời.

Đồng chí Cao Văn Bôn, Chủ tịch HND xã Giao Châu cho biết: Dự án vay vốn Quỹ HTND đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong đó, nhiều mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khác được vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ tham gia vay vốn được HND tỉnh, huyện hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về phát triển và xây dựng thương hiệu làng nghề, đảm bảo kỹ thuật sản xuất nước mắm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với việc cho vay phát triển sản xuất, Ban quản lý Quỹ HTND xã còn chú trọng tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả; thực hiện đúng các quy định quản lý quỹ, thu hồi nợ đến hạn… nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn quỹ, góp phần giúp hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Việc quản lý thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp trong việc quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ giao. Để nguồn vốn vay tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, HND xã tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn quỹ, giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com