Thận trọng khi tái đàn lợn, đảm bảo ứng phó với biến động về giá

08:06, 05/06/2018

Trong thời gian qua, giá thịt lợn hơi trên thị trường liên tục tăng, là tín hiệu vui cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đây có thể là sự đột biến có tính thời điểm của thị trường nên ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng khi tiến hành tái đàn.

Trang trại lợn của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) chỉ duy trì 50 con lợn nái và 100 con lợn thịt.  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Trang trại lợn của ông Đinh Văn Thiểm, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) chỉ duy trì 50 con lợn nái và 100 con lợn thịt.

Sau một thời gian dài giá thịt lợn hơi “lao dốc” thì từ đầu tháng 4-2018 đến nay, giá lợn có chiều hướng tăng mạnh, từ 32 nghìn đồng/kg lên trên 40 nghìn đồng/kg thời điểm cuối tháng 4; có lúc đạt mốc 50 nghìn đồng/kg. Cụ thể, giá lợn siêu nạc 48-50 nghìn đồng/kg, lợn lai 42-46 nghìn đồng/kg đã giúp người chăn nuôi lợn thoát cảnh thua lỗ và chuyển sang có lãi khá. Giá lợn giống cũng tăng cao chóng mặt, dao động từ 800 nghìn đến 1,3 triệu đồng/con (8-10kg). Ông Phạm Văn An - một người nuôi lợn ở thôn Ngọc Giả, xã Trực Đạo (Trực Ninh) cho biết: “Để nuôi 1 con lợn thịt đạt 100kg phải mất tổng chi phí (con giống, thức ăn, vắc-xin...) từ 3-3,5 triệu đồng. Với giá bán từ 36 nghìn đồng/kg trở lên thì người nuôi mới bắt đầu có lãi. Giá lợn hơi như hiện tại là người chăn nuôi có lãi khá. Tuy nhiên về tâm lý, người chăn nuôi chúng tôi vẫn e dè, không dám ồ ạt tái đàn vì lo ngại giá tăng không bền vững”. Vào thời kỳ “hoàng kim” năm 2015-2016, trang trại lợn của ông Đinh Văn Thiểm, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) luôn duy trì 200 con lợn nái, 400 con lợn thịt. Hằng năm, ông xuất bán 4.000 con lợn giống và 60 tấn lợn thịt, lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Thiểm cho hay, đợt giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục vừa qua đã khiến gia đình ông lỗ trên 3 tỷ đồng. Do vậy, mặc dù hiện tại giá lợn tăng cao nhưng gia đình ông chỉ có thể duy trì 50 con lợn nái và 100 con lợn thịt. “Hiện nay, giá lợn thịt lên tới 50 nghìn đồng/kg, giá lợn giống 1,3 triệu đồng/con nhưng gia đình tôi cũng chưa bán được nhiều con giống. Nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi không còn vốn để tái sản xuất. Các hộ duy trì nuôi lợn chủ yếu là tự sản - tự nuôi. Bản thân chúng tôi trong thời gian ngắn tới đây cũng chưa có ý định tăng đàn”. Sự thận trọng của ông An, ông Thiểm cũng là tâm lý chung của người chăn nuôi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Người dân vẫn lo lắng bởi chưa tìm được đầu ra ổn định và đảm bảo an toàn để có thể yên tâm đầu tư lứa nuôi mới. Bên cạnh đó, hầu hết người chăn nuôi đã nhận thức được nguyên nhân giá lợn xuống thấp, thậm chí không bán được trong năm vừa qua là do nguồn cung vượt cầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở các địa phương việc tái đàn vẫn diễn ra nhưng ở mức độ cầm chừng, người chăn nuôi đã có sự thận trọng chứ không nhập ồ ạt theo tín hiệu thị trường như trước.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), trong những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Năm 2016, toàn tỉnh có 780 nghìn con lợn. Từ cuối năm 2016, giá lợn giảm sâu trong khoảng thời gian dài, gây thua lỗ và khó khăn về tài chính cho người chăn nuôi. Hầu hết các trang trại, gia trại đều giảm quy mô chăn nuôi để duy trì sản xuất hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi; một số tạm ngừng tái đàn, để trống chuồng hoặc chuyển đổi sản xuất ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Do đó, đến nay, tổng đàn lợn thịt và lợn nái trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, hiện tượng giá lợn tăng là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung và tăng cầu. Ngoài ra, sự tăng giá mạnh của thịt lợn còn xuất phát từ nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể sẽ xảy ra. Nếu phía Trung Quốc đánh thuế 25% với thịt lợn và đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, sẽ làm cho giá thịt lợn nhập từ Mỹ và chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc tăng. Khi đó, Trung Quốc phải tìm nguồn thay thế. Dự báo tới đây, có thể Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ các nước trong khu vực, như vậy cầu sẽ tăng.

Để tránh tình trạng “đua nhau” tái đàn dẫn đến mất cân đối cung - cầu, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thận trọng trong việc tái đàn. Trước mắt, bà con cần tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm chi phí chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như ngô, khoai, rau... để hạ chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, thời gian trước, khi giá lợn xuống thấp nhiều hộ nuôi không quan tâm chăm sóc đàn lợn, lơ là việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Thêm vào đó, hiện đã vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp... nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, bà con cần tập trung tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Đối với vật nuôi tái đàn, phải đảm bảo nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly 2-3 tuần để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn. Cần phát triển đàn lợn theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra, người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi giá cả, nắm bắt nhu cầu của thị trường; thực hiện chăn nuôi liên kết, hợp tác theo chuỗi để có thể hạ giá thành sản phẩm, phát triển ổn định, bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com