Tăng cường kiểm soát nguồn phát sinh khí thải công nghiệp

07:06, 06/06/2018

Kinh tế công nghiệp phát triển kéo theo sự gia tăng lượng khí thải vào môi trường; thậm chí phát sinh nhiều khu vực, đơn vị sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm không khí. Các khí độc hại như CO, CO2, NO2, SO2 phát sinh do đốt nhiên liệu hoá thạch và các hơi hoá chất độc hại như hơi axit, dung môi, hơi kim loại… thải vào môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trước thực trạng đó, từ nhiều năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn phát sinh khí thải công nghiệp. 

Cơ sở gia công sản phẩm cơ khí đúc kim loại màu ở xã Hải Thanh (Hải Hậu).
Cơ sở gia công sản phẩm cơ khí đúc kim loại màu ở xã Hải Thanh (Hải Hậu).

Theo đó, các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT) không khí; trong đó chú trọng tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh khí thải; các cơ sở sản xuất có hoạt động gây ô nhiễm không khí trong làng nghề (Đồng Côi, Bình Yên, Vân Chàng, Xuân Tiến, Yên Xá...). Tập trung kêu gọi, huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý khí thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải. Tại huyện Nam Trực, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Thụy Sĩ đã triển khai dự án lắp đặt 93 ống khói cho các hộ nhúng rửa sản phẩm nhôm, 48 ống khói cho hộ sản xuất cô đúc nhôm ở làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh. Dự án Quản lý chất thải nguy hại tỉnh Nam Định đã hỗ trợ kinh phí cho 195 hộ xây dựng nâng chiều cao ống khói, góp phần giảm thiểu khí thải trực tiếp ra môi trường tại làng nghề Bình Yên. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó quan tâm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí ở các nhóm ngành: cơ khí đúc, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sơn, mạ, hàn xì… Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật BVMT đối với Nhà máy sản xuất giấy của Cty CP Mạnh Chí tại CCN xã Xuân Bắc (Xuân Trường), ngành chức năng và địa phương đã yêu cầu Cty chấn chỉnh tình trạng vi phạm về BVMT trong sản xuất, còn để tồn tại các thông số kỹ thuật (trong đó có thông số về khí thải) vượt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam cho phép. Sau khi Cty đã thực hiện lắp đặt ống khói cao 15m, ngành chức năng và địa phương tiếp tục giám sát, đôn đốc Cty thực hiện nghiêm quy định quan trắc định kỳ hằng năm đối với khí thải. Trường hợp Cty TNHH Tùng Dương chuyên tái chế dầu thải tại xóm 16, xã Nghĩa An (Nam Trực), sau khi nhận được kiến nghị của nhân dân sinh sống xung quanh về việc gây ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất của Cty, ngành chức năng và địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát hồ sơ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện hành nghề quản lý chất thải nguy hại và chỉ đạo việc lấy mẫu quan trắc, phân tích chất thải. Mặc dù Thanh tra Bộ TN và MT đã kết luận các thông số kỹ thuật về BVMT, trong đó có thông số môi trường không khí của Cty đều nằm trong quy chuẩn cho phép nhưng UBND huyện vẫn thường xuyên phối hợp với Sở TN và MT định kỳ quan trắc, phân tích các chỉ số khí thải, nước thải sau xử lý và kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của Cty. Nhờ đó, Cty đã có sự chuyển biến về ý thức, chủ động thực hiện trách nhiệm và các quy định về BVMT. Hiện tại, giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại của Cty TNHH Tùng Dương đã hết hiệu lực, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo yêu cầu Cty TNHH Tùng Dương dừng mọi hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; giao Sở TN và MT, Công an tỉnh, UBND huyện Nam Trực cùng các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành của Cty, nếu phát hiện có hành vi vi phạm kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Dù đã tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát nguồn phát sinh khí thải công nghiệp nhưng theo ngành TN và MT hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều khu vực bị ô nhiễm không khí công nghiệp. Trong đó môi trường tại khu vực sản xuất ở các làng nghề cơ khí, đúc (nấu tái chế kim loại), làng nghề tái chế nhựa hiện nay bị ô nhiễm khí thải nhiều nhất so với các nơi khác. Tại các khu, CCN, nhiều cơ sở sản xuất, trong đó có cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa có biện pháp hữu hiệu khắc phục ô nhiễm khói bụi, mùi hóa chất. Đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ nằm rải rác ngay trong khu dân cư khí thải phần lớn chỉ được xử lý sơ bộ, thậm chí thải trực tiếp ra môi trường. 

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát khí thải công nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí xung quanh. Trong đó, chú trọng yêu cầu, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; chủ động nâng cao năng lực, đổi mới quy trình, trang thiết bị sản xuất, thiết bị xử lý khí thải, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường không khí; thực hiện thường xuyên việc quan trắc, giám sát khí thải. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở phát sinh khí thải công nghiệp lớn phải đầu tư lắp đặt và thường xuyên vận hành hệ thống xử lý khí thải đảm bảo xử lý hiệu quả toàn bộ lượng khí thải công nghiệp phát sinh đạt chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra ngoài. Đồng thời, phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải đối với khí thải công nghiệp và được Bộ TN và MT cấp phép xả khí thải công nghiệp; phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN và MT theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN và MT./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com