Công nghiệp chế biến ở Giao Thủy

06:06, 22/06/2018

Giao Thuỷ là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý (có 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều); tổng sản lượng lương thực, thực phẩm đạt xấp xỉ 140 nghìn tấn/năm, lại nằm giữa 2 ngư trường khai thác hải sản lớn là ngư trường Bắc Vịnh Bắc Bộ và ngư trường miền Trung. Tài nguyên biển phong phú là nền tảng thuận lợi để huyện phát triển ngành công nghiệp chế biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Sản xuất sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ tại cơ sở của anh Bùi Thái Dũng, tổ dân phố số 6, Thị trấn Ngô Đồng.
Sản xuất sản phẩm mộc dân dụng, mỹ nghệ tại cơ sở của anh Bùi Thái Dũng, tổ dân phố số 6, Thị trấn Ngô Đồng.

Ngành công nghiệp chế biến của huyện Giao Thủy phát triển đa dạng các lĩnh vực chính như: chế biến thủy hải sản; sản xuất thức ăn chăn nuôi; chế biến rau quả; sản xuất và chế biến muối; chế biến gỗ… Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, nghề chế biến hải sản của huyện phát triển với nhiều quy mô. Ở các cơ sở chế biến hải sản của các hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền chế biến theo phương pháp cổ truyền, tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện... Làng nghề sản xuất nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu có 75 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở đầu tư vốn cho sản xuất hằng năm từ 100 đến 150 triệu đồng, cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 800 nghìn đến 1 triệu lít nước mắm. Tại xã Giao Hải, Cty TNHH Hùng Vương đạt sản lượng chế biến các mặt hàng khoảng 100 tấn sản phẩm/năm, doanh thu đạt từ 5-7 tỷ đồng/năm, sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng và đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nằm ở cuối huyện Giao Thủy, Bạch Long từng là xã độc canh diêm nghiệp với diện tích đồng muối rộng trên 230ha. Trước khó khăn của nghề muối, chủ trương chuyển đổi sản xuất  ở các ruộng muối kém hiệu quả được thực hiện tích cực giúp tăng thu nhập cho nông dân. Xã Bạch Long đã hình thành và phát triển được hệ thống các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với đa dạng ngành nghề như: chế biến muối, sản xuất giống và chế biến thủy sản. Trên địa bàn xã có 5 Cty chế biến muối, mỗi Cty tạo việc làm cho 15-20 lao động thường xuyên với các sản phẩm chính là các loại muối, bột canh i-ốt, muối công nghiệp và hệ thống 25 đại lý chuyên thu gom muối cho diêm dân. Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm đã đầu tư trên 15 tỷ đồng xây dựng một xưởng chế biến muối gồm 2 dây chuyền sản xuất muối tinh công suất 22 nghìn tấn/năm (4tấn/giờ) và chế biến muối tinh sấy công suất 10 nghìn tấn /năm (3tấn/giờ). Hiện các dây chuyền chế biến muối của doanh nghiệp đã sản xuất ổn định các loại sản phẩm (muối tinh, muối sạch, muối sấy, muối i-ốt) cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... Sản phẩm muối sạch của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bên cạnh thế mạnh về chế biến thủy sản, làm muối; công nghiệp chế tác đồ gỗ của huyện cũng phát triển. Nghề mộc ở Thị trấn Ngô Đồng phát triển mạnh với hàng chục cửa hàng, “siêu thị” đồ gỗ hoạt động nhộn nhịp không chỉ giúp phát triển nghề của địa phương mà còn làm đại lý thu gom tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất ở các xã: Hoành Sơn, Giao Tiến, Giao Hương… Tiêu biểu như các cơ sở sản xuất của các ông: Cao Văn Mạnh, Bùi Khắc Thiệu, Nguyễn Văn Chi… Nhiều cơ sở làm nghề mộc của thị trấn đã nhập phôi từ các làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng La Xuyên (Ý Yên),  Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Phú Xuyên (Hà Nội) về để hoàn thiện sản phẩm. Riêng các sản phẩm bàn ghế (kiểu cổ, kiểu mới) thường được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thị trấn nhập hàng thô từ các làng nghề có tiếng về để gia công hoàn thiện theo yêu cầu khách hàng. Tiền công của thợ lắp ráp khoảng 3 triệu đồng/bộ (6-7 món); có những bộ cầu kỳ, nhiều món trị giá từ 150-200 triệu đồng/bộ thì công lắp ráp đã khoảng 40-50 triệu đồng. Với mức thu nhập từ 120-250 nghìn đồng/ngày, thu hút khoảng 300 lao động thường xuyên, mỗi năm, nghề mộc mang lại nguồn thu cứng cho người dân Thị trấn Ngô Đồng khoảng 1,5-2 tỷ đồng tiền công lao động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công nghiệp chế biến của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng, lợi thế của huyện như: số lượng doanh nghiệp, cơ sở ngành công nghiệp chế biến còn ít lại phân bố rải rác, công nghệ sản xuất cũ nên khối lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục thu hút đầu tư, ưu tiên cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản và các ngành sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2018 đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017./.

 Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com