Thực hiện các giải pháp bình ổn giá cát xây dựng

08:05, 29/05/2018

Khảo sát một số cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn Thành phố Nam Định, ghi nhận tại thời điểm này giá cát tăng cao và thị trường có nhu cầu rất lớn nhưng mặt hàng cát lại đang khan hiếm, chính vì vậy các chủ cửa hàng VLXD đua nhau nâng giá theo từng ngày. Tháng 4-2018, theo công bố giá của liên Sở Xây dựng - Tài chính, giá cát vàng đã tăng 450 nghìn đồng/m3 thậm chí đến 480 nghìn đồng/m3 trên thực tế, giá cát đen tăng từ 160 nghìn đồng lên 175 nghìn đồng/m3; đá tiêu chuẩn từ 155 nghìn đồng/m3 tăng lên 165 nghìn đồng/m3; gạch bê tông giữ nguyên giá, xi măng Bút Sơn tăng từ 1,29 triệu đồng/tấn lên đến 1,34 triệu đồng/tấn. Các loại VLXD khác như sắt, thép, gạch ốp lát, ống thoát nước, sơn… giá cũng đồng loạt được điều chỉnh tăng nhẹ từ 5-10% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa xây dựng bước vào cao điểm. Nhiều hộ dân đang xây, sửa nhà cũng phải tính toán điều chỉnh tài chính và diện tích xây dựng để đối phó với sự “leo thang” về giá VLXD.

Khai thác và vận chuyển cát trên sông Ninh Cơ tại bãi vật liệu xây dựng xã Xuân Ninh (Xuân Trường).
Khai thác và vận chuyển cát trên sông Ninh Cơ tại bãi vật liệu xây dựng xã Xuân Ninh (Xuân Trường).

Anh Nguyễn Văn Tiến hiện đang xây nhà trên đường Trần Thị Dung, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) cho biết: “Theo tính toán ban đầu, tiền VLXD để xây ngôi nhà 2 tầng của gia đình tôi hết khoảng 340-360 triệu đồng nhưng sau hơn 1 tháng khởi công, khoản này đã lên đến 380 triệu đồng. Với tốc độ tăng giá VLXD như hiện nay, dự kiến sau khi hoàn thiện có thể tăng thêm 15-20 triệu đồng nữa”. Giá VLXD tăng đã tác động trực tiếp đến các đơn vị sản xuất VLXD, nhà thầu thi công. Cty TNHH Vận tải - Thương mại Nam Thắng cũng gặp nhiều khó khăn trước tình trạng biến động giá cát, đá hiện nay. Ông Phạm Văn Bắc, Giám đốc Cty cho biết: “Giá cát tăng đột biến cộng thêm chi phí vận chuyển, phí cầu đường nên chúng tôi phải điều chỉnh giá một số sản phẩm bê tông tươi với mức dao động từ 95 đến 105 nghìn đồng/m3. “Đau đầu” nhất vẫn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng bởi cát, đá, sỏi là các vật liệu không thể thay thế. Giám đốc Cty CP Xây dựng Giao Thủy (Giao Thủy) Nguyễn Trần Hưng cho biết, hiện tại, Cty nhận thi công một số công trình trọng điểm như KĐT trung tâm Thị trấn Ngô Đồng; dự án âu neo đậu tàu thuyền Ninh Cơ; cải tạo đê biển tại xã Giao Xuân... Với giá cát luôn ở mức cao như hiện tại thì Cty sẽ phải chấp nhận bù lỗ do chi phí xây dựng đều tăng. Cty đang chủ động tích cực liên hệ ký kết hợp đồng với các bãi VLXD trên bãi đê sông Hồng, Cồn Nhất, Cồn Nhì để tranh thủ cung ứng cát, đá đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, câu chuyện “đến hẹn lại lên” của giá cát, sỏi, đá xây dựng vào mỗi năm thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu do số lượng và trữ lượng các mỏ cát dần cạn kiệt dẫn đến khan hiếm nguồn cát xây dựng, nhu cầu sử dụng cát vàng nhập từ tỉnh ngoài luôn ở mức cao; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý, khai thác sử dụng cát và tài nguyên. Các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn đầu cơ, tích trữ cát xây dựng trái phép và cả chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp tự bắt tay “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường VLXD như hiện nay dẫn đến các doanh nghiệp ngành VLXD tự áp đặt mức giá, giá cát xây dựng biến động lớn, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói. Ngoài ra, các chủ dự án công trình xây dựng và chính quyền địa phương còn bị động trong việc cân đối nguồn cung cát xây dựng, việc tìm kiếm thử nghiệm nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên còn hạn chế. Các công trình hiện nay vẫn tập trung sử dụng cát tự nhiên dẫn đến bị động khi nguồn cung thiếu đẩy giá cát xây dựng tăng. 

Để hạn chế trượt giá công trình do tăng giá VLXD, tiền công, các chủ đầu tư cần lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực có thể đẩy nhanh tiến độ thi công; giám sát chặt chẽ, hạn chế việc lãng phí nguyên vật liệu trên công trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các đại lý phân phối, có những quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng tuỳ tiện nâng giá bán các loại VLXD, đầu cơ gây lũng đoạn thị trường, phải có mẫu giá áp dụng chung cho từng mặt hàng và phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tự tăng giá hoặc phá giá ở một khu vực, vùng nào đó. Thường xuyên kiểm soát việc thực hiện các quy định về “niêm yết giá và bán theo giá niêm yết” theo công bố của nhà sản xuất tại các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh VLXD nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần nhanh chóng xem xét, rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả đảm bảo nguồn VLXD tại địa phương, tránh tình trạng phải nhập từ tỉnh ngoài. Siết chặt thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi khai thác cát trái phép, không cho cát lậu chen chân vào thị trường. Sở Xây dựng cần tăng cường phối hợp khảo sát, nghiên cứu thị trường, xây dựng bảng báo giá VLXD sát với thực tế, tăng cường công tác thẩm định dự toán công trình phù hợp đảm bảo cho tiết kiệm, đầu tư hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com