Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp viễn thông

07:03, 09/03/2018

Thời gian qua, Sở TT và TT luôn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.

Hoạt động chuyên môn tại VNPT Nam Định.
Hoạt động chuyên môn tại VNPT Nam Định.

Sở TT và TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường phương tiện kỹ thuật bảo đảm thông tin liên lạc, đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet của nhân dân, các đơn vị, tổ chức trên địa bàn; đặc biệt là bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển các dịch vụ ứng dụng CNTT, Sở TT và TT đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh duy trì chuyên mục Chính quyền điện tử nhằm tuyên truyền, phổ biến cho người dân và tổ chức biết việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến, phổ biến, hướng dẫn về các tiện ích khi sử dụng, quy chế vận hành ứng dụng CNTT; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT phát triển thương mại điện tử. Tập trung hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo và chuyển giao các phầm mềm CNTT ứng dụng trong khối cơ quan Nhà nước giúp các cán bộ, công chức sử dụng thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ cung ứng dịch vụ phần mềm của các doanh nghiệp viễn thông... Sở TT và TT đã đề xuất và kiến nghị Trung ương ban hành các quy định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng, sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và nguồn lực quốc gia; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn có, tránh đầu tư chồng chéo; tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục giấy tờ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Bên cạnh đó, Sở TT và TT còn tập trung chỉ đạo bảo đảm chất lượng dịch vụ và tích cực hướng dẫn, giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định kinh doanh của Bộ TT và TT, pháp luật Nhà nước giúp các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn hoạt động, phát triển công bằng, lành mạnh. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Viettel Nam Định (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) cho biết: “Năm 2017 là năm các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của địa phương nên Viettel Nam Định nói riêng và cả khối doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh và đầu tư hạ tầng viễn thông, CNTT cấp trên giao phó”. Cụ thể, trong năm 2017, chỉ trong vòng 6 tháng Viettel đã hoàn tất lắp đặt, đưa vào khai thác gần 500 trạm 4G bảo đảm phục vụ được trên 95% dân số; góp phần hiện đại hóa hệ thống hạ tầng viễn thông siêu băng rộng của Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Đặc biệt, ngày 18-4-2017, Viettel chính thức khai trương dịch vụ 4G trên địa bàn tỉnh và chỉ sau 8 tháng, trên địa bàn tỉnh đã phát triển gần 200 nghìn thuê bao 4G. Bên cạnh đó, dịch vụ 2G đã phủ sóng tới 100% dân số với chất lượng ổn định; so với cam kết tốc độ dịch vụ 3G đã đạt gấp 10 lần tại địa bàn thành phố và gấp 6 lần tại địa bàn nông thôn. Để các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh bình đẳng, hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ ứng dụng CNTT, Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh đã tạo điều kiện để Viettel Nam Định triển khai thí điểm phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Bám sát định hướng ứng dụng CNTT để phục vụ nhanh gọn các dịch vụ hành chính công giữa chính quyền và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình của tỉnh, Viettel Nam Định đã bước đầu cung cấp thành công các phần mềm tới một số cơ quan, ban, ngành trọng điểm của tỉnh như: phần mềm quản lý văn bản tại Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở VH, TT và DL; ứng dụng camera tại Công an tỉnh; ứng dụng quản lý trực tuyến và thông báo rủi ro tại Sở Y tế. Năm 2017, Viettel Nam Định đã đạt tổng doanh thu 95 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2016; là doanh nghiệp nằm trong tốp đầu về nộp ngân sách cho tỉnh với tổng giá trị trên 40 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016; năng suất lao động bình quân 3,5 tỷ đồng/người/năm, tăng 25% so với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người 26,3 triệu đồng/năm, tăng 10% so với năm 2016. Viettel Nam Định tiếp tục tăng trưởng thị phần viễn thông chiếm 57% và giữ vững vị trí số 1 trên thị trường viễn thông tỉnh. Được sự tạo điều kiện của ngành TT và TT, các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương, bên cạnh việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu trong phát triển thuê bao điện thoại, VNPT Nam Định đã trở thành doanh nghiệp viễn thông chủ lực, có vị thế quan trọng trong chương trình ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. Trong đó, VNPT Nam Định đã sớm tiến hành khảo sát hiện trạng ứng dụng CNTT tại các sở, ban, ngành và UBND các địa phương; triển khai thí điểm ứng dụng CNTT (cổng thông tin điện tử; phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; khởi tạo hệ thống thư điện tử; phần mềm hành chính công một cửa điện tử) tại một số huyện và hệ thống thông tin ngành GD và ĐT, ngành Y tế... Việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh phát triển lành mạnh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng và phát triển hạ tầng CNTT của tỉnh ta. Đến nay, nhận thức của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã thay đổi tích cực, tăng cường sử dụng hòm thư công vụ, đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng đẩy mạnh ứng dụng CNTT. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai đồng bộ giải pháp xây dựng chính quyền điện tử. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã kết nối mạng internet tới 100% phường, xã, thị trấn; đầu tư 1.015 trạm 2G, 1.025 trạm 3G và gần 700 trạm 4G, cung ứng nhiều dịch vụ gia tăng mới. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông, internet năm 2017 đạt 1.717 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016. 

Năm 2018, ngành TT và TT tiếp tục hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, internet, cáp quang hóa mạng truyền dẫn, tăng mật độ trạm phát sóng 4G, đảm bảo phủ sóng 4G đến 100% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước; chú trọng triển khai phần mềm ứng dụng, kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan quản lý Nhà nước 3 cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com