Quản lý chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn

07:03, 05/03/2018

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ gây tác hại xấu đến sức khỏe cộng đồng, khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành chăn nuôi. Việc phòng ngừa, ngăn chặn kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã và đang được tỉnh coi là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, công tác này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, hiện địa bàn tỉnh có trên 10 nghìn trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 2.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư; 410 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và gần 700 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm hằng năm ước đạt trên 160 nghìn tấn, bước đầu không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình… Với quyết tâm đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, đặc biệt là khuyến cáo người dân không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt những nguy hại của việc sử dụng chất cấm (Salbutamol, Clenbuterol…) trong chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm. Đặc biệt cần chỉ rõ hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là phi đạo đức, phải bị cộng đồng, dư luận tố giác và tẩy chay. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tồn dư kháng sinh và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là các chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các trang trại, gia trại, các cơ sở giết mổ, các cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm… Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu giám sát chất cấm tại một cơ sở giết mổ lợn ở xóm 6, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu giám sát chất cấm tại một cơ sở giết mổ lợn ở xóm 6, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Sở NN và PTNT đã phát động phong trào ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện ký cam kết với gần 8.000 hộ chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trong tỉnh. Trong đợt cao điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập đoàn công tác, tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm tại 64 cơ sở chăn nuôi và 5 cơ sở giết mổ lợn. Kết quả các mẫu xét nghiệm đều có phản ứng âm tính với Salbutamol. Trong năm 2017 và đầu năm 2018, Chi cục thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các cơ sở giết mổ lợn. Trước đó, trong năm 2016, Chi cục đã phát hiện và xử lý một doanh nghiệp tại xã Minh Thuận (Vụ Bản) sản xuất thức ăn chăn nuôi có mẫu chứa Salbutamol”. Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm theo pháp luật các cơ sở buôn bán chất Salbutamol và Vàng O cho chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh cấm; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý môi trường giả, ngoài danh mục. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về điều kiện sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất Salbutamol, chất Vàng O đối với sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận thức, hành động của chủ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các cấp, các ngành và của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Trần Văn Tuấn, xóm 6, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi giết mổ 5-6 con lợn. Tôi thường chú trọng khâu đảm bảo vệ sinh thú ý và an toàn vệ sinh thực phẩm. Với kinh nghiệm nhiều năm giết mổ, tôi nhận biết lợn có sử dụng chất cấm qua biểu hiện con lợn béo bất thường, không nhanh nhẹn, đuổi cũng không dậy đi. Với những con lợn như trên tôi không nhận mà trả lại luôn cho người bán. Thời gian qua, tôi cũng không phát hiện con lợn nào có biểu hiện như vậy”.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra còn mỏng; cơ sở vật chất chưa đầy đủ như chưa có phòng xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, trong khi đó chi phí gửi các mẫu xét nghiệm lại khá cao. Trong khi đó, nhận thức của các chủ hộ chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y về chất cấm sử dụng trong chăn nuôi còn rất nhiều hạn chế. Cản trở lớn nhất là hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư nên công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và lấy mẫu gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra quản lý việc sử dụng kháng sinh, các loại chất cấm trong chăn nuôi. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Sở NN và PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về điều kiện sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất Salbutamol, chất Vàng O đối với sức khỏe con người nhằm khẳng định, xây dựng uy tín thị trường, tạo nền tảng phát triển chăn nuôi bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com