VietinBank Nam Định tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

07:02, 28/02/2018

Thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1533/QĐ-NHNN ngày 20-7-2017 của Thống đốc NHNN Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định (VietinBank Nam Định) đã tích cực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động của đơn vị, giúp khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc VietinBank Nam Định cho biết: Trước tình hình kinh tế trong nước có nhiều diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao, dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng tại các TCTD. Để thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 24/NQ-QH13 ngày 21-6-2017 của Quốc hội, VietinBank Nam Định xác định tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là nhiệm vụ quan trọng nên đã triển khai tích cực, quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp. Hết năm 2017, Chi nhánh đã thu hồi được 11 tỷ 23 triệu đồng nợ xấu của 17 khách hàng; 12 tỷ 634 triệu đồng xử lý rủi ro của 12 khách hàng và 4 tỷ 960 triệu đồng nợ bán cho VMAC của 1 khách hàng. Để có được kết quả trên, Chi nhánh đã thành lập hội đồng xử lý nợ; tiến hành đánh giá toàn diện tình hình tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hồ sơ pháp lý của khách hàng phát sinh nợ xấu để đề ra các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng khoản nợ, từng khách hàng. Hội đồng xử lý nợ họp hằng tuần để đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, trên cơ sở đó tiến hành phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp xử lý tiếp theo phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng thường xuyên bám sát, phân tích tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của khách hàng để đánh giá đúng thực trạng khách hàng. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tạm thời, có khả năng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi được hỗ trợ; cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ nhằm giảm chi phí hoạt động cho khách hàng, thực hiện tái cơ cấu nợ vay đối với trường hợp đủ điều kiện giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ vốn đối với các phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả. Thường xuyên làm việc với khách hàng, đôn đốc, gửi văn bản thông báo đề nghị khách hàng tìm kiếm mọi nguồn thu trả nợ vay. Ngoài ra, Chi nhánh còn phối hợp với các khách hàng để thanh lý hàng tồn kho, thu hồi công nợ phải thu, thanh lý các tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản để thu hồi nợ xấu đã phát sinh như: phối hợp bán tài sản bảo đảm của Cty Xuân Lộc thu hồi 1,2 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi của Cty Dệt may Phương Nam 1,2 tỷ đồng nợ xấu và của khách hàng Trần Tiến Thiện số tiền 800 triệu đồng từ việc thanh lý tài sản bảo đảm… Phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý và phát mại tài sản bảo đảm theo quy định để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng tích cực tìm kiếm liên hệ các khách hàng có nhu cầu mua bán tài sản để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ. Thực hiện trích lập vốn dự phòng và sử dụng nguồn này để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu theo đúng quy định của NHNN, hướng dẫn của VietinBank. 

VietinBank Nam Định chuẩn bị tốt nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
VietinBank Nam Định chuẩn bị tốt nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy vậy trong quá trình xử lý nợ xấu VietinBank Nam Định cũng gặp rất nhiều khó khăn: tình trạng thị trường bất động sản trầm lắng, khó chuyển nhượng để thu hồi vốn, khách hàng bỏ trốn khỏi địa phương, việc xử lý tài sản cố định, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn khi người mua chưa quen với việc mua bán này. Nhiều trường hợp khách hàng không hợp tác xử lý tài sản, Chi nhánh phải thực hiện các thủ tục tố tụng tại tòa án, yêu cầu cưỡng chế thu hồi tài sản để bán đấu giá thu hồi nợ nhưng cũng khó khăn do cách hiểu khác nhau trong việc xác định thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ án giữa các cấp tòa án. Hơn nữa thời gian và thủ tục tiến hành giải quyết vụ án thường kéo dài, hiệu lực thi hành án không cao. Một số tài sản đảm bảo ở địa bàn nông thôn nên rất khó xử lý do nhu cầu người mua ít; giá bán tài sản thấp hơn so với lúc định giá tài sản để cho vay. Một số cơ quan cũng còn lúng túng khi thực hiện sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp khách hàng không bỏ trốn nhưng cố tình không bàn giao tài sản, không phối hợp thỏa thuận định giá khởi điểm thì cũng không thực hiện phát mại được. Việc xử lý các trường hợp khách hàng chây ỳ, không hợp tác (cả doanh nghiệp và cá nhân) thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng gặp nhiều khó khăn, có nơi chính quyền địa phương còn ngại va chạm, không tích cực ủng hộ ngân hàng… Trước những khó khăn trên, VietinBank Nam Định đã kiến nghị Sở TN và MT nhanh chóng thực hiện việc đăng ký tài sản trên đất cho doanh nghiệp và người dân để đảm bảo tính pháp lý khi thế chấp vay vốn và xử lý nợ. Cơ quan thi hành án thực hiện tổ chức cưỡng chế tài sản bảo đảm khẩn trương khi bản án có hiệu lực và nhanh chóng bàn giao cho cơ quan đấu giá để bán thu hồi nợ theo quy định.

Thời gian tới, VietinBank Nam Định sẽ tiếp tục bám sát tình hình hoạt động của khách hàng có nợ xấu phát sinh. Thực hiện quyết liệt và triệt để các biện pháp để đẩy nhanh việc tái cơ cấu và xử lý, thu hồi nợ. Tích cực tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu mua tài sản để thực hiện thanh lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu. Thực hiện kinh doanh có hiệu quả để có nguồn vốn trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả. Đối với các tài sản có tính thanh khoản cao thực hiện xử lý trước nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, đề ra các giải pháp cụ thể để xử lý các tài sản có tính thanh khoản kém. Đối với các khách hàng không còn hoạt động, Chi nhánh sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quản lý và thực hiện phát mại tài sản để thanh lý thu hồi nợ. Đôn đốc, yêu cầu khách hàng đẩy nhanh việc thanh lý hàng tồn kho, thu hồi các công nợ khó đòi hoặc tìm kiếm các nguồn thu khác để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng theo các cam kết đã ký. Tiếp tục triển khai các giải pháp để tháo gỡ cho các khách hàng gặp khó khăn tạm thời, có khả năng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng, rà soát các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro để có giải pháp tín dụng kịp thời nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh mới./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com